10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật nhất năm 2017

Google News

(Kiến Thức) - Năm 2017 sắp kết thúc, ghi nhận hàng loạt sự kiện kinh tế nổi bật được dư luận đặc biệt quan tâm. Cùng Kiến Thức điểm lại những sự kiện này.

1. Tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2017
Trong năm 2017, sự kiện kinh tế đối ngoại lớn nhất của Việt Nam là đảm nhận vai trò chủ nhà của Hội nghị Cấp cao các nền kinh tế Châu Á - TBD (APEC). Việc Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức năm APEC trong vòng hơn 10 năm qua là một minh chứng sinh động cho sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam cũng như nỗ lực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.
Tuần lễ Cấp cao đã thông qua 8 văn kiện quan trọng và ký tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng với các đối tác có tổng trị giá gần 20 tỉ USD.
Bên cạnh đó, tại APEC 2017, các bộ trưởng đã đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
2. Những con số kỷ lúc cho sự phát triển kinh tế
Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo Chính phủ ước thực hiện hoàn thành cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao trong năm 2017. Theo đó, sẽ có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Trong đó có những con số ấn tượng: Tăng trưởng kinh tế 6,7%, cao hơn mức 6,21% năm 2016. Đây là 1 dấu mốc đáng nhớ vì kể từ năm 2009 đến nay (ngoại trừ năm 2010) thì tăng trưởng đều dưới con số 6,7%.
Bội chi sau 10 năm liên tục “phá trần"; thì năm 2017 được giữ ở mức dưới 3,5%. Dự trữ ngoại hối đạt 45 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
3. Chứng khoán bùng nổ, lập kỷ lục 10 năm
Điểm nổi bật nhất TTCK Việt Nam 2017 chính là kỷ lục cao 10 năm của chỉ số VN-Index. VN-Index vượt ngưỡng 970 điểm, chỉ còn thấp hơn mức kỷ lục lịch sử 1.179 điểm thiết lập hồi năm 2007.
Cụ thể, trong phiên đầu tháng 12, VN-Index tiếp tục tăng dữ dội thêm hơn 10 điểm lên trên ngưỡng 960 điểm, bỏ xa đỉnh cao nhất kể từ đầu 2008: 921,1 điểm.
Tính tới thời điểm này, TTCK thực sự đã có một năm tăng điểm ấn tượng, với VN-Index tăng tổng cộng hơn 44%, từ mức 664,87 điểm lên trên 960 điểm như hiện nay. Sự hưng phấn của thị trường đã vượt qua tất cả các dự đoán lạc quan nhất hồi đầu năm.
4. Tỷ phú Việt thăng tiến, xáo trộn giới người giàu
Năm 2017, Việt Nam có 2 tỷ phú USD được ghi danh toàn cầu, theo bảng xếp hạng của Forbes. Đây cũng là năm đầu tiên, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung có 1 nữ tỷ phú USD. Tốc độ tăng hạng kỷ lục của các tỷ phú Việt.
Tính đến đầu tháng 12, ông Phạm Nhật Vượng có 4,2 tỷ USD; tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo lên 2,3 tỷ USD. Cả hai tỷ phú đều có bước cải thiện đáng kể về thứ hạng trong bảng Forbes.
Trên TTCK, ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC và Faros (ROS) có khối tài sản quy từ cổ phiếu khoảng 2,5 tỷ USD và liên tục tranh vị trí số 1 những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với ông Phạm Nhật Vượng.
Mặt khác, giới người giàu năm 2017 cũng chứng kiến hàng loạt các đại gia mới xuất hiện làm đảo lộn bảng xếp hạng tỷ phú Việt như: ông Ngô Chí Dũng (chủ tịch VPBank), ông Lô Bằng Giang (phó chủ tịch VPBank), ông Hồ Xuân Năng (chủ tịch Vicostone)…
Cùng loạt doanh nhân giàu có trước đây bị đẩy khỏi top 20 như: ông Trương Gia Bình - FPT, ông Nguyễn Duy Hưng - SSI, bà Nguyễn Thị Như Loan - Quôc Cường Gia Lai...
Nhiều đại gia từng đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng cũng dần tụt lùi như: ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), ông Đặng Thành Tâm,...
5. Thị trường ô tô biến động, liên tiếp 4 đợt giảm giá
2017 cũng là năm thị trường ô tô trải qua một năm biến động khác thường với những thay đổi chóng mặt về giá. Hầu hết các hãng đã hạ giá từ 10-30% các mẫu xe để kích cầu tiêu dùng và đẩy hết hàng tồn. Người tiêu dùng mua xe vào cuối năm 2017 hưởng lợi lớn khi hàng loạt mẫu ô tô được giảm “sốc” tới 100 triệu, 200 triệu, thậm chí là 300 triệu đồng...
Ngoài ra, ngày 27/11 Chính phủ đã ban hành quy định, ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Kể từ 1/1/2018 những DN ô tô có sản lượng lớn sẽ được hưởng ưu đãi thuế nhập bộ linh kiện 0%. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều DN đẩy mạnh đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô.
Bên cạnh đó thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nâng lên khiến cho giá xe cũ bán ra cao hơn cả xe mới cùng loại.
6. Khủng hoảng các trạm BOT trên khắp cả nước
Sự kiện tiếp theo là tình trạng khủng hoảng các trạm BOT diễn ra trên khắp cả nước. Chưa bao giờ, chủ đề trạm thu phí giao thông BOT lại làm "nóng" báo chí, dư luận xã hội như những ngày qua.
Đáng chú ý nhất là BOT Cai Lậy (trên Quốc lộ 1 , Thị xã Cai Lậy, Tiền Giang). Cho rằng vị trí đặt trạm thu phí không đúng nên ngay từ thời điểm bắt đầu thu phí (tháng 8/2017), người dân đã phản ứng bằng cách trả phí bằng tiền lẻ có mệnh giá thấp. Việc này dẫn đến ùn tắc giao thông cuối cùng phải tạm dừng thu phí nhiều tháng...
Song, từ hiệu ứng BOT Cai Lậy, hàng loạt tài xế ở các địa phương khác cũng đồng loạt sử dụng tiền lẻ để phản đối việc đặt vị trí trạm thu phí như: Biên Hòa (Đồng Nai), Ninh An (Khánh Hòa), Quốc lộ 5 (Văn Lâm, Hưng Yên), Bắc Hải Vân (Thừa Thiên - Huế)...
 Năm 2017 đã gần kết thúc với hàng loạt sự kiện kinh tế nổi bật như: Vũ "Nhôm" bị truy nã, khủng hoảng các trạm BOT, khủng hoảng thịt lợn...
7. Dự án thu lỗ nghìn tỷ, loạt sếp lớn vướng vòng lao lý
Năm 2017, một loạt cựu lãnh đạo DNNN bị kỷ luật, cách chức, thậm chí bị khởi tố, truy nã quốc tế vì sai phạm kinh tế trong quá trình quản lý. Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình trong đại án OceanBank.
14 cá nhân nguyên là ủy viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) qua các thời kỳ từ 2006 đến 2015 đều bị xử lý kỷ luật.
Đặc biệt, ông Đinh La Thăng - Ủy viên trung ương Đảng, Phó Ban Kinh tế TW cũng bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến những sai phạm thời làm chủ tịch Dầu khí.
Sếp lớn Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) - ông Nguyễn Anh Dũng - bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, gồm ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TƯ, ủy viên BCH Đảng bộ Vinachem, Bí thư Đảng ủy tập đoàn này.
Danh sách bị khởi tố điều tra cũng ngày một dài, như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận (cựu sếp PVC); Vũ Đình Duy, Trần Trung Chí Hiếu (cựu sếp nhà máy 7.000 tỷ PVTex đắp chiếu),... cùng hàng loạt cá nhân khác.
8. Xét xử hàng loạt đại án kinh tế với con số kỷ lục
Năm 2017 ghi nhận 12 đại án kinh tế được đưa ra xét xử với những con số kỷ lục. Hầu hết là các vụ án liên quan đến ngành ngân hàng như: vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV)...
Hay vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn; vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group)…
9. Chào bán 53,59% vốn Sabeco, thương vụ kỷ lục gần 5 tỷ USD
Sau khi Bộ Công thương công bố bán 53,59% vốn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào 18/12, một cá nhân đã trúng giá 320.500 đồng/cp cho khối lượng 20.000 cp và một tổ chức là Công ty TNHH Vietnam Beverage ôm trọn số cổ phần đấu giá còn lại với giá đấu 320.000 đồng/cp. Nhà nước dự kiến thu về 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD. Đây là thương vụ bán vốn kỷ lục tại Việt Nam từ trước đến nay và đã gây tiếng vang lớn trên thị trường vốn toàn cầu.
10. Khủng hoảng thịt lợn, doanh nghiệp Việt làm ăn gian dối
Cuối cùng, trên thị trường kinh tế tiêu dùng cũng xuất hiện nhiều biến động lớn khắp cả nước.
Cụ thể, giá thịt lợn đồng loạt giảm kỷ lục chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg khiến người dân điêu đứng.
Để giải cứu người chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đã ra công văn kêu gọi cả nước ưu tiên ăn thịt lợn, chú trọng thịt lợn, rồi mua lợn ủng hộ.. cũng hàng loạt chương trình "giải cứu thịt lợn".
Bên cạnh đó, trong lúc thị trường hàng tiêu dùng đang đẩy mạnh phong trào kêu gọi người Việt dùng hàng hàng Việt, thì vào giữa tháng 10/2017, một thương hiệu nổi tiếng của người Việt là khăn lụa Khaisilk bất ngờ bị “tố” làm ăn gian dối. Cụ thể, trên cùng một sản phẩm khăn lụa Khaisilk lại gắn tới hai mác “made in Việt Nam” và “Made in China”.
Đáng chú ý là ông Hoàng Khải - ông chủ thương hiệu Khaisilk đã lên tiếng thừa nhận việc bán khăn Trung Quốc trong gần 30 năm qua, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Trước sự việc nghiêm trọng này, Bộ Công Thương đã yêu cầu chuyển hồ sơ, vật chứng vụ Khaisilk sang Cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Bảo Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)