1. Nhà “siêu mỏng” The Grudge
Ngôi nhà “siêu mỏng” The Grudge được dư luận quốc tế biết đến nhiều hơn sau khi được nữ kiến trúc sư Sandra Rishani viết về nó trong cuốn sách của bà.
Ngôi nhà "siêu mỏng" ở Beirut, Lebanon.
Theo người dân địa phương, vào năm 1954, một người đàn ông ở Beirut, Lebanon đã bị mất gần hết mảnh đất của mình do việc mở rộng con đường. Phần còn lại của mảnh đất không đủ xây dựng nhà để ở.
Vì ghen tỵ với mảnh đất của người anh trai, người đàn ông này đã xây một ngôi nhà 4 tầng “siêu mỏng” để chặn tầm nhìn ra biển của gia đình người anh.
2. Sơn nhà màu mè vì hàng xóm không cho tháo dỡ
Theo tờ The Guardian, vào năm 2015, Zipporah Lisle-Mainwaring muốn phá bỏ ngôi nhà ở London của mình nhưng những người hàng xóm lại không đồng tình. Do đó, nữ chủ nhà đã quyết định sơn mặt tiền ngôi nhà bằng những đường sọc đỏ và trắng như hình cây kẹo.
Mặt tiền ngôi nhà được gia chủ sơn hai màu trắng và đỏ như cây kẹo.
Những người hàng xóm sau đó buộc Zipporah Lisle-Mainwaring phải sơn lại nhưng chính quyền địa phương không can thiệp. Đến năm 2017, nữ gia chủ này cũng được phá dỡ ngôi nhà của mình.
3. Người em xây nhà chắn tầm nhìn nhà anh trai
Nhiều người nói rằng, ngôi nhà ở Boston này là kết quả của mối hiềm khích giữa anh em ruột thịt trong nhà.
Theo Tạp chí Boston, một người đàn ông sau khi xuất ngũ về nhà thì thấy anh trai của mình đã xây dựng một ngôi nhà lớn trên mảnh đất chung của họ. Do vậy, người em đã quyết định xây ngôi nhà rộng 110m2 để ngôi nhà người anh trai không có tầm nhìn ra bến cảng Boston.
Ngôi nhà của người em khiến cho nhà của người anh bị chắn tầm nhìn ra bến cảng.
4. Xây nhà bít hẻm
Ngôi nhà có chiều rộng khoảng 2m này nằm trên một con hẻm nhỏ ở Alexandria, Virginia. Đây được xem là ngôi nhà hẹp nhất nước Mỹ.
Theo tờ The New York Times, ngôi nhà có diện tích khoảng 30m2 này được John Hollensbury xây dựng vào năm 1830. Hollensbury đã xây dựng ngôi nhà để ngăn xe ngựa và người qua đường di chuyển qua con hẻm.
Ngôi nhà sơn màu xanh được xem là ngôi nhà hẹp nhất nước Mỹ.
5. Xây nhà vì hàng xóm trả giá kiểu... xúc phạm
Ngôi nhà Montlake Spite nằm tại Seattle, Washington, được xây dựng vào năm 1925. Theo người dân địa phương, chủ của ngôi nhà này có mảnh đất rộng 290m2 và người hàng xóm muốn mua lại để làm khu vườn.
Cảm thấy bị xúc phạm vì hàng xóm trả giá quá rẻ, gia chủ này đã xây ngôi nhà nhỏ trên đất của mình cho bõ tức.
Tuy nhiên, người hàng xóm lại trả một giá quá rẻ mạt để mua lại khu đất. Cảm thấy bị xúc phạm, chủ đất đã xây một ngôi nhà nhỏ với chiều ngang khoảng 4,5m này cho bõ tức. Vào năm 2016, ngôi nhà nhỏ này đã được rao bán trên thị trường bất động sản với giá hơn 519.000 USD.
6. Xây nhà trong đêm để tránh việc mở đường
Tọa lạc tại Frederick, Maryland, ngôi nhà Tyler-Spite này do Tiến sĩ John Tyler xây dựng vào năm 1814.
Theo lời kể, sau khi phát hiện chính quyền địa phương có kế hoạch mở một con đường xuyên qua khu đất của mình, Tiến sĩ John Tyler tìm hiểu và thấy có quy định không thể mở đường nếu trên khu đất của người dân có nhà ở đã tồn tại hoặc đang trong quá trình xây dựng.
Ngôi nhà của Tiến sĩ John Tyler được xây dựng vội vã trong đêm.
Do đó, Tiến sĩ John Tyler đã tìm một nhà thầu để gấp rút xây nhà trong đêm. Ngày hôm sau, chính quyền địa phương không thể tiến hành mở đường và ngôi nhà của ông được cho tồn tại.
7. Xây tháp để chặn tầm nhìn của nhà hàng xóm
Tháp Spite toạ lạc ở Adamsville, Rhode Island, được xây dựng vào năm 1905. Theo các nhà sử học, có thể công trình này được xây sau khi hai người hàng xóm đánh nhau và một trong hai người muốn chặn tầm nhìn của người kia về thị trấn.
Tháp Spite đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng.
Nhưng có thông tin khác cho rằng tháp Spite có thể được xây dựng trên một cái giếng. Nó có chiều cao cần thiết để phục vụ cho việc tiếp cận nguồn nước.
Dù được xây dựng vì lý do gì thì tháp Spite đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng ngày nay.
8. Nhà Bình đẳng
Nhà Bình đẳng là một ngôi nhà bảy sắc cầu vồng nằm ở Topeka, Kansas, nơi ra đời của tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Planting Peace. Ngôi nhà này nằm đối diện với Nhà thờ Baptist Westboro, nơi có một nhóm người phản đối cộng đồng người đồng tính.
Nhà Bình đẳng với ý nghĩa ủng hộ cộng đồng người đồng tính.
Căn nhà được mua bởi Aaron Jackson, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Planting Peace. Sau khi mua ngôi nhà này, Aaron Jackson đã cho sơn màu sắc của lá cờ cầu vồng, để thể hiện sự ủng hộ đối với cộng đồng người đồng tính.
9. Sau ly hôn, xây nhà không thể ở được cho vợ cũ
Ngôi nhà Pulm màu hồng này nằm ở Newbury, Massachusetts, được xây dựng vào những năm 1920. Ngôi nhà là kết quả của một cuộc hôn nhân không trọn vẹn.
Ngôi nhà trên đầm lầy do người chồng xây cho vợ cũ.
Theo lời kể, khi một cặp vợ chồng ly hôn, một trong những thoả thuận ly hôn là người chồng phải xây cho người vợ một ngôi nhà giống y chang ngôi nhà mà hai người từng sinh sống.
Nhưng vì toà án không chỉ định vị trí xây nhà nên người chồng đã xây ngôi nhà mới trên một đầm lầy và dẫn nước mặn làm nước sinh hoạt. Vì lẽ đó, ngôi nhà đã không thể ở được.
10. Ngôi nhà trả giá bao nhiêu cũng không bán
Vào năm 2006, bà Edith Macefield đã từ chối lời đề nghị 1 triệu USD mua lại ngôi nhà ở Seattle, Washington. Những khu đất xung quanh ngôi nhà của bà đã được một nhà phát triển bất động sản mua lại để xây toà nhà văn phòng.
Bất chấp những lời hỏi mua với giá ngày càng tăng, bà Edith Macefield vẫn một mực từ chối. Nữ gia chủ cương quyết không bán ngôi nhà được xây dựng từ năm 1900 của mình trong nhiều năm sau đó, ngay cả khi các cao ốc mọc lên ôm trọn ngôi nhà.
Dù được trả giá bao nhiêu tiền, bà Edith Macefield vẫn không bán ngôi nhà của mình.
Bà Edith Macefield qua đời vào năm 2009 và điều bất ngờ là trong di chúc bà đã để lại ngôi nhà này cho Barry Martin, giám đốc xây dựng dự án sát vách ngôi nhà của bà.
Câu chuyện về bà Edith Macefield và ngôi nhà đã truyền cảm hứng mạnh mẽ. Disney cũng đã làm bộ phim mang tên “Up” để nói về ngôi nhà này.