Hết đau lưng mạn tính nhờ đốt nhiệt nội đĩa

Google News

(Kiến Thức) - Phương pháp đốt nhiệt nội đĩa không chỉ giúp bệnh nhân hết đau lưng mạn tính, mà còn phòng sự tiến triển của thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) gây tàn phế.

Bằng cách dùng nhiệt phong tỏa đầu dây thần kinh, hàn gắn chỗ rách gây đau, kích thích sự hình thành, tạo collagen mới... phương pháp đốt nhiệt nội đĩa không chỉ giúp bệnh nhân hết đau lưng mạn tính, tránh phải mổ đĩa điệm mà còn phòng sự tiến triển của thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) gây tàn phế.
Có thể bị liệt nếu không điều trị kịp thời
ThS Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức cho biết, đau lưng mạn tính là một căn bệnh phổ biến không chỉ ở người già mà hiện nay đối tượng trẻ mắc rất nhiều. Hầu hết bệnh nhân đến khám trong độ tuổi 20 – 35, bị đau lưng tại chỗ và cứng lưng làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân có thể là do tính chất công việc, béo phì, trầm cảm... do cơ do thoái hóa cột sống và riêng TVĐĐ đã chiếm khoảng 30% dân số, nhiều trường hợp 15 – 17 tuổi đã phải tới viện điều trị. Bệnh nếu không điều trị kịp thời, TVĐĐ tiến triển gây mất cảm giác từng vùng ở mông, chân, bàn chân, trường hợp nặng có thể bị liệt.
Het dau lung man tinh nho dot nhiet noi dia
Một ca can thiệp ít xâm lấn điều trị đau lưng tại Bệnh viện Việt Đức. 
Bảo tồn được đĩa đệm, hết đau, tránh liệt
ThS Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, khi TVĐĐ ở giai đoạn 3 – 4 (đau lan xuống chân, nặng có thể gây mất kiểm soát đại tiểu tiện, liệt các chi...), bệnh nhân sẽ được chỉ định những cuộc phẫu thuật lớn như lấy bỏ đĩa đệm, cố định cột sống, ghép xương, thay đĩa đệm...
Phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm thường có biến chứng, thậm chí tai biến lớn nhiễm trùng, liệt, tử vong... Để tránh tình trạng này, tốt nhất bệnh nhân đau lưng mạn tính, điều trị nội khoa không còn kết quả nên đi khám để được điều trị sớm bằng phương pháp đốt nhiệt nội đĩa (IDET).
IDET là phương pháp điều trị ít xâm lấn, phẫu thuật không cần rạch da, không mất máu, bảo tồn được đĩa đệm. Kỹ thuật này rất đơn giản, bệnh nhân được đặt nằm sấp, không phải gây mê, chỉ cần gây tê vùng điều trị nên bệnh nhân tỉnh hoàn toàn. Bệnh nhân được chụp đĩa đệm cản quang tìm chính xác hơn đĩa đệm tổn thương, gây đau.
Dưới sự hướng dẫn của màn tăng sáng các bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào vị trí đĩa đệm gây đau đốt nóng lên bằng nhiệt điện 900C trong 15 - 16 phút. Thời gian hoàn thành phương pháp khoảng 60 phút và bệnh nhân có thể ra viện trong ngày, nhiều đĩa đệm có thể được can thiệp cùng trong một lần thực hiện.
Cơ chế của phương pháp chính là dùng nhiệt phong tỏa đầu dây thần kinh cảm giác đau ở thành sau đĩa đệm, nhiệt gây co nhỏ mô collagen ở thành của đĩa đệm dẫn đến hàn gắn chỗ rách gây đau ở bao xơ đĩa đệm; kích thích sự hình thành, tạo collagen mới; phá hủy hoặc thay thế chất hóa học trung gian gây viêm hoặc đau bên trong mô đĩa đệm. Nhờ vậy, sau can thiệp bệnh nhân giảm đau dần và hết đau.
Thực hiện trên 30 bệnh nhân cho thấy, sau 1 tháng bệnh nhân giảm đau từ 10 điểm xuống còn 2 điểm, thậm chí nhiều người hết hẳn, lưng hết cứng, nhân nhầy đĩa đệm dừng lại quá trình thoái hóa. Các tai biến thường ít gặp và ít có biến chứng nặng nề như phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm.
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa (nguồn VTV):
Thúy Nga

Bình luận(0)