Xuyên rừng “săn ảnh” vượn đen

Google News

(Kiến Thức) - Vượn đen tuyền cư trú tại rừng phòng hộ Mường La (Sơn La) đã và đang là niềm phấn khởi của các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên thế giới. 

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào chụp được ảnh của loài vượn đen tuyền thuộc khu vực hiểm trở này. PV Kiến Thức đã nhập cuộc và may mắn chụp được hai bức ảnh về vượn đen tuyền.

Ngược dốc đến "lõi rừng"

Trước khi lên đường về Mường La, ông Sòi Ngọc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cảnh báo với chúng tôi, rằng: "Rừng ở Mường La không giống các nơi khác đâu. Địa hình hiểm trở, dốc lên dốc xuống liên tục, đường mòn dường như không có. Và cẩn thận vì rất nhiều rắn độc trong rừng. Nếu muốn chụp ảnh vượn thì càng khó hơn, các chuyên gia nước ngoài đã ăn ngủ tại rừng hàng tháng trời mà chưa ai chụp được ảnh của vượn".

Khi đến Ngọc Chiến - Mường La, người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Quàng Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ tuần tra bảo vệ, người có thâm niên mấy chục năm đi rừng. Ngôi nhà sàn nhỏ nhắn của ông Toàn nằm bên sườn đồi, hướng chính nhìn ra rừng Ngọc Chiến. Đứng trên nhà sàn nhìn ra, ông Toàn chỉ tay đến hướng có loài vượn đen tuyền sinh sống. Ông bảo: "Nhìn thì gần thế thôi nhưng nếu đi bộ cũng phải mất một ngày".

Sau đó, chúng tôi còn được gặp gỡ với anh Lò Văn Đoàn người dân tộc Thái, anh Lường Văn Hoàng dân tộc La Ha và Sùng A Giạng dân tộc Mông. Đây là 3 thành viên có sức khoẻ và kinh nghiệm đi rừng lâu năm. Đồ đạc mang theo được nhóm tuần rừng chọn lựa một cách giản tiện nhất để đảm bảo có thể leo được tới vùng "lõi rừng".

Cận cảnh vượn đen tuyền. 

Cuộc khởi hành bắt đầu từ 7 giờ sáng. Trên lưng các thành viên lỉnh kỉnh chăn màn, xoong nồi, gạo nước và thịt hun khói. Những con dốc phải leo qua ở vùng đệm của khu rừng không khó để chinh phục. "Nhưng vào đến vùng trong thì phải cực khoẻ và dẻo dai thì mới không bị khuỵ ngã", Trưởng nhóm Quàng Văn Toàn cảnh báo.

12 giờ trưa, đoàn tuần rừng nghỉ ngơi tại một con suối nhỏ vắt ngang khu rừng. Mọi người ăn xôi nếp đã nấu sẵn kèm theo lạp xường ướp mặn hun khói cùng một ít rau dại. Tại đây, chỉ còn cách khu ở của vượn đen chừng hơn 10 cây số.

Thế nhưng, 10 cây số đó cũng là thách thức khủng khiếp nhất với những người đi rừng. Theo ông Toàn, năm ngoái một chuyên gia thuộc Tổ chức FFI đã ốm liệt 3 ngày sau khi vượt qua 10km ấy. Đồng thời, vị chuyên gia còn bị căng cơ không thể đi lại được.

Những con dốc ngược khiến chúng tôi "bở hơi tai". Dù trời lạnh nhưng tất cả đều ướt đẫm mồ hôi. Có những đoạn phải dùng dây mới vượt qua được vì không có đường đi. Anh bạn người La Ha bảo: "Phải thế thì vượn mới ở, chứ nếu ở nơi dễ vào chắc chúng bị tuyệt chủng lâu rồi".

Sau mấy chục lần nghỉ ngơi lấy sức, đúng 5 giờ chiều chúng tôi mới đến được "lõi rừng" cách nơi vượn ở chừng 2 cây số. Trưởng nhóm quyết định hạ trại nghỉ ngơi qua đêm. Rừng sâu chập choạng tối đã rúc rích tiếng côn trùng và tiếng muông thú gọi nhau về tổ.

Đoàn tuần tra phổ biến quy chế bảo vệ rừng. 

Đêm ở suối Hua Kẻ

Nơi chúng tôi hạ trại nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, sát cạnh con suối dài nhất Mường La có tên là Hua Kẻ. Con suối này là "mạch sống" của hàng chục nghìn ha rừng và hàng nghìn loài động thực vật khác.

Sau bữa cơm tối kèm với rau dại và rêu suối, chúng tôi ngồi quanh đống lửa trước lán trại nghe những câu chuyện về rừng. Nhóm trưởng Quàng Văn Toàn kể, với đồng bào miền núi rừng là thứ bí ẩn và linh thiêng nhất. Đặc biệt là suối Hua Kẻ này. Nó gắn liền với thần linh và ma cà rồng.

Đã có nhiều người bị ma cà rồng bắt đi, cũng nhiều người vào rừng mà mãi mãi không tìm được đường ra. Chính ông Toàn cũng đã 3 lần phải đối mặt và chiến đấu với loại ma rừng khủng khiếp này. Ông bảo: "Ma cà rồng là thứ có thật, nó giống như con người nhưng dị dạng và ghê tởm hơn nhiều".

Thực ra ma cà rồng chính là bệnh nhân hủi. Người dân tộc Thái và La Ha gọi đó là ma cà rồng - những người mắc bệnh ngày trước lẩn trốn vào rừng để sống. Họ hay xuất hiện ở con suối Hua Kẻ và săn bắn hái lượm trong rừng. Ngón chân ngón tay bị vi khuẩn "ăn rụng" nên nhiều người nghĩ đó là ma cà rồng. Ông Toàn cho biết: "Cũng chính nhờ ma cà rồng mà nhiều người không dám đi săn, loài vượn đen được bảo vệ là vì thế".

Ghi chép số liệu chi tiết về vượn đen tuyền. 

Và 2 bức ảnh khiêm tốn về vượn

Những câu chuyện liên miên bí ẩn về rừng già chưa dứt, thì đúng 3 giờ đêm, chúng tôi lại "hành quân" đến nơi vượn ở để "phục kích" nhằm chụp được bức ảnh hiếm hoi về loài linh trưởng này.

Nơi vượn ở cách nơi chúng tôi hạ trại chỉ 2km nhưng phải mất 3 tiếng đồng hồ hì hục trườn bò luồn lách qua lớp đá trơn trượt và đống gai rừng để chinh phục. Đúng 6 giờ sáng chúng tôi đến nơi và tiếp tục trèo lên một cây dẻ cao gần 20m để nhìn ra xa. Đúng 6h15, tiếng hú của vượn cái "đánh thức" muôn vật trong khu rừng.

Tiếp đó là tiếng con đực hú theo, và tiếp nữa là tiếng vượn con. Nhưng không ai nhìn thấy chúng đâu. Sau những sốt ruột, cuối cùng ba con vượn này cũng xuất hiện cách chúng tôi khoảng 1 cây số ở độ cao 1.700m. Anh Lò Văn Đoàn đem máy định vị ra đo, ở đúng 330 độ Bắc.

Vượn đực màu đen, vượn cái màu vàng nhạt ôm theo vượn con đang nhảy nhót trên các cành cây. Chúng hú gọi nhau chào buổi sáng và phải rất khó khăn, chúng tôi mới chụp được hai bức ảnh về loài vượn đặc biệt nguy cấp này. Chỉ 5 phút sau, "gia đình" vượn phát hiện bị theo dõi nên hú nhau chạy vào rừng sâu.

Trèo lên cây "săn ảnh" vượn. 

Kiểm tra ảnh, chúng tôi hơi thất vọng vì hơi mờ và xa. Chỉ thấy những chấm đen và chấm vàng đang đu đẩy trên cây. Tuy nhiên, ông Toàn vui mừng: "Như vậy đã là thành công rồi, chưa có ai chụp được ảnh chúng đâu".

Thu xếp đồ đạc, chúng tôi lại xuôi những dốc đá cheo leo ra phía bìa rừng. Sự mệt mỏi hằn rõ trên những khuôn mặt đầy nắng và gió. Nhưng trong những ánh mắt ấy, lộ rõ những niềm vui khôn tả. Rồi đây, rừng phòng hộ Mường La sẽ được công nhận là khu bảo tồn. Loài vượn đen sẽ được bảo vệ, cả thế giới sẽ biết điều đó.

Vui thay!

"Khu rừng phòng hộ của Mường La gồm phần rừng của các xã Ngọc Chiến, Hua Trai và Nậm Păm nối liền với khu bảo tồn Mù Cang Chải rộng tới 25.000ha. Chúng tôi đã làm hồ sơ để nâng cấp rừng Mường La thành khu bảo tồn để thuận tiện cho việc bảo tồn loài vượn đen tuyền".
Ông Sòi Ngọc Dũng (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La)
Trần Hoà

Bình luận(0)