Tổ ong dữ khổng lồ cho người xin mật ở Tuyên Quang

Google News

Mỗi lần muốn lấy mật ở tổ ong khổng lồ, làng làm lễ cúng. Thế là đàn ong khoái cực độc giết người như chơi ấy để yên cho người khai thác. 

Lên núi tìm "Thần Ong"
Câu chuyện về những tổ ong khổng lồ trên đỉnh Giang Chí mờ sương, thuộc huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) được người Dao sống giữa đại ngàn hoang rậm quản lý, khai thác từ hàng trăm năm qua quả thực thú vị.
Người dân trong vùng tin rằng, quần thể tổ ong trên vách đá đó được trông nom bởi "Thần Ong" nên ai cũng hãi hùng, không dám khai thác, thậm chí không dám bén mảng đến chân núi để ngó xem tổ ong thế nào.
Người dân trên đỉnh Giang Chí cũng chỉ dám kéo đến vào ngày khai thác mật, khi thầy cúng đã hành lễ đúng thủ tục.
To ong khong lo cho nguoi xin mat o Tuyen Quang
Những tổ ong khổng lồ trên vách núi đá cao chất ngất 
Tôi đề xuất đi xem quần thể tổ ong trên vách núi, thầy cúng Lý Thức Tình đã phải dậy sớm, mổ gà, làm lễ trên bàn thờ.

Ông mở chiếc tủ cũ kỹ, lấy ra cuốn sách cổ mối mọt cắn nham nhở, đã ố vàng và thực hiện bài cúng xin thần linh cho người lạ xem tổ ong. Cúng xong, ông gieo quẻ và nói các vị thần đã đồng ý.
Khi mặt trời ló rạng khỏi dãy núi, ánh nắng chan hòa khắp nơi, anh Bàn Phúc Hiền dẫn chúng tôi lên núi tìm "Thần Ong".
Đỉnh Giang Chí gồm mấy mỏm núi nhấp nhô, cao hun hút. "Thần Ong" ngự ở mỏm núi Cù Pham Ngàm, dịch ra tiếng phổ thông là núi Ba Chạc, bởi nó như 3 ngón tay nhô lên. Đó là vách đá dựng đứng như tường thành.
Dưới chân Cù Pham Ngàm là miệng hang lớn, sâu hoắm, tối tăm. Anh Hiền bảo rằng, xưa kia, hang đá có hàng vạn con dơi, là nguồn thức ăn tưởng như vô tận của dân bản.
Cả trăm năm qua, người dân khai thác phân dơi trong hang để làm phân bón, đến giờ vẫn chưa hết. Lượng phân dơi tích tụ ở hang đá này có lẽ đã cả triệu năm rồi. Tuy nhiên, cái miệng con người thì tham lam vô độ, nên loài dơi ở hang đá đã bị ăn sạch.
Trước đây, chỉ cần chăng mảnh lưới bằng cái chiếu ở miệng hang, thì gỡ dơi không kịp. Chỉ cần hai người, bắt một lúc thì được bao tải dơi. Nhiều người tham lam, bắt dơi đem thui vàng, mổ bụng rồi vác xuống núi bán với giá 150 ngàn đồng/kg, khiến nguồn dơi cạn kiệt.
Theo anh Hiền, nếu dân bản cứ săn bắt để dùng, thì nguồn dơi thoải mái, tuy nhiên khai thác bán thì dơi sẽ cạn kiệt, hoặc chúng sẽ bỏ đi hết.
Giờ trong hang vẫn còn dơi, nhưng rất ít. Các gia đình ở đây nhất định không bắt dơi nữa, hy vọng chúng về ở, để có nguồn phân tốt, giàu phốt pho bón cho cây trồng.
Từ dưới miệng hang, là hệ thống thang cao chót vót, kéo lên đến tận vách đá nơi có những tổ ong khổng lồ treo lủng liểng. Chiếc thang được ghép lại bởi những cây luồng to và nối với nhau. Thang ngang được buộc chặt bởi dây rừng.
To ong khong lo cho nguoi xin mat o Tuyen Quang-Hinh-2
Hệ thống thang đã chuẩn bị sẵn cho ngày lấy mật 
Những điều lạ kỳ, khó lý giải

Theo anh Hiền, cứ đến tháng 4 hàng năm, chọn được ngày đẹp, thì dân bản lại làm thang bắc từ chân núi lên đến gần đỉnh, chỉ còn cách tổ ong khoảng 10m để khai thác mật ong.
Tuy nhiên, trước khi khai thác mật, dân bản phải tổ chức lễ cúng rất linh đình. Người chủ trì lễ cúng "Thần Ong" là thầy cúng Lý Thức Tình.
Theo thầy cúng Tình, lễ vật gồm có 1 con gà, thẻ hương, nậm rượu. Lễ vật được bày xuống mặt đất, ngay chân núi. Thầy cúng phải xin thần hoàng (gồm thần tổ tiên, thần núi, thần rừng, thần trời, thần thổ địa) và "Thần Ong".
Thầy cúng Tình thắp nhang, rồi nói lớn: "Xín cung xín mau phàn chủ xì…", đại để "Mời các cụ về uống rượu, cho các con xin lấy tổ ong…". Lễ cúng kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ.
Bài cúng được ghi trong cuốn sách cổ. Cúng xong thì rót rượu mời thần linh, đốt tiền giấy và gieo quẻ (quẻ của thầy cúng người Dao được làm bằng miếng gỗ).
Theo quy định, thầy cúng chỉ được gieo quẻ đúng 2 lần. Nếu các vị thần đồng ý thì mới được khai thác tổ ong, còn thần không đồng ý thì phải chờ đến sang năm.
Tuy nhiên, theo thầy cúng Tình, thì từ xưa đến nay, chưa từng có chuyện gieo quẻ không được. Khi đã làm lễ cúng các vị thần tử tế, thì các thần đều đồng ý cho khai thác ong.
Khi gieo quẻ thành công, thì mọi người sẽ trải bạt, rồi trải những lớp nilon dưới chân núi. Phía trên vách núi cũng được trải những lớp bạt kèm nilon để hứng tổ ong.
Một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có uy tín sẽ được giao nhiệm vụ trèo lên thang chọc tổ ong. Người này sẽ cầm chiếc sào dài 12m, đứng trên đỉnh thang và chọc từng tổ một.
Những tổ ong bị chọc sẽ vỡ, rụng xuống. Tổ ong sẽ mắc lại ở những lớp bạt chăng chi chít nhiều lớp từ dưới chân núi lên đến đỉnh. Nếu tổ ong rơi, va đập, vỡ tung tóe, không trúng lớp bạt này, thì sẽ trúng lớp bạt khác.
Có tổ ong vỡ miếng to quá, khi rơi xuống sức nặng trăm kg làm thủng bạt, đứt bạt, thì sẽ lại có lớp bạt ở dưới đỡ. Nếu bung hết bạt, tổ ong rơi xuống đất, thì đã có lớp bạt cuối cùng chăng dưới mặt đất hứng trọn.
Điều kỳ lạ nhất, là trong cuộc khai thác ong, cả bản cùng tham gia, có mặt, đông vui như hội, nhưng bọn ong trên vách núi tuyệt nhiên không nổi giận tấn công người.
Ngay cả người được phân công nhiệm vụ khai thác ong, cũng không cần thứ gì bảo vệ, cứ thoải mái chọc tổ ong, thậm chí, nếu có tiến đến gần tổ ong dùng tay trần thu hái, ong cũng không đốt.
Ong khoái là loài ong rất lớn, to bằng ngón tay, rất hung dữ, nọc độc chục con ong có thể giết người, thế nhưng, hàng vạn con ong để cho con người hồn nhiên khai thác mật, phá tổ, cũng là điều kỳ lạ, khó lý giải.
Theo thầy cúng Lý Thức Tình, khi đã tổ chức cúng bái và được "Thần Ong" đồng ý, thì có thể khai thác thoải mái mà không bị ong tấn công.
Nếu không cúng, hoặc có cúng mà gieo quẻ không thành công, thì không ai dám động vào tổ ong, bởi nếu hàng vạn con ong không tấn công, thì "Thần Ong" cũng sẽ vật chết người.
Nghe chuyện lấy mật không cần bảo hộ mà ong không tấn công, tôi quả thực khó tin.
Anh Nông Văn Huy bảo: "Tôi là thợ săn, mấy chục năm sống trong rừng, lấy được lượng mật ong phải tính bằng tấn, tôi khẳng định rằng, những con ong ở núi Giang Chí này chính là ong khoái, là loài ong hung dữ, nọc độc rất mạnh.
Ở bản tôi, nhiều người suýt mất mạng vì loài ong này.
Có người chọc tổ ong, bị ong đuổi, nhảy xuống ao, mà chúng còn bu đen trên mặt nước, chờ ngoi lên để đốt. Mọi người phải mang chăn ra chụp kín, rồi đốt lửa xua ong, anh ta mới thoát chết.
Dân trong vùng không ai dám lấy mật ở những tổ ong này đâu, chỉ có người Dao trên đỉnh Giang Chí này dám lấy thôi.
Nếu không được "Thần Ong" cho phép, thì nếu không bị ong đốt, cũng bị "Thần Ong" vật chết lúc nào không hay".
To ong khong lo cho nguoi xin mat o Tuyen Quang-Hinh-3
 Cận cảnh tổ ong khoái
Theo anh Bàn Phúc Hiền, để khai thác xong quần thể tổ ong trên vách núi Cù Pham Ngàm, phải mất trọn một ngày.

Đứng dưới chân núi nhìn lên, trông tổ ong chỉ cỡ cái mâm, hình elip, thế nhưng, anh Hiền cho biết, trèo đến gần, mới thấy nó to bằng cái nưa, thậm chí có những năm tổ ong to bằng nửa cái chiếu.
Tổ ong trung bình trên vách đá này cũng phải có đường kính cỡ 1m đến 1,5m. Mỗi tổ ong lớn cho khoảng 3 gánh mật, tính ra chừng 6 xô, tương đương 70 lít mật ong. Tổ nhỏ cũng cho tới 10 lít mật.
Mỗi đợt khai thác, dân bản Giang Chí thu được hàng trăm lít mật ong, con số đó chia đều cho cả bản, mỗi gia đình vẫn có cả chục lít mật để dùng.
Tuy nhiên, lượng mật ong quá nhiều, dùng không xuể, nên họ gùi xuống trung tâm huyện bán trong những ngày có phiên chợ.
Mỗi lít mật ong rừng có giá vài trăm ngàn đồng, nên cư dân trên đỉnh Giang Chí có được một khoản kha khá. Họ tin rằng "Thần Ong" đã mang lại cho họ cuộc sống no ấm, nên không bao giờ họ khai thác theo kiểu tận diệt.
Mỗi lần khai thác, họ thường chỉ chọc rụng 3/4 tổ ong và luôn để lại vài tổ nguyên vẹn, để ong có nơi trú ngụ và tiếp tục tìm về xây tổ, làm mật.
To ong khong lo cho nguoi xin mat o Tuyen Quang-Hinh-4
 
Tôi đứng dưới chân núi, ngước mắt mỏi cổ nhìn lên vách đá, đếm được tới 12 tổ ong khổng lồ. Với số lượng từng ấy tổ ong, thì có lẽ năm nay 4 hộ dân còn lại trên đỉnh Giang Chí sẽ thu được vài tạ mật ong, một con số khổng lồ.

Đỉnh Giang Chí hiện chỉ còn 4 hộ gia đình sinh sống, nên không có trách nhiệm phải chia chác cho ai. Tuy nhiên, ngày khai thác mật ong, họ vẫn liên lạc gọi những gia đình đã hạ sơn ra Hàm Yên, cách đỉnh Giang Chí 150km về tham gia nghi lễ thu hoạch mật.
Sau cuộc khai thác mật, các hộ dân sẽ tổ chức ăn uống no say. Nếu gia đình nào không về được, thì vẫn được các hộ dân để dành cho một ít, khi nào về thì biếu.
Ông Nguyễn Văn Dưng (Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình): “Tôi cũng đã nghe một số anh em bên nông nghiệp kể về vách núi có quần thể tổ ong trên đỉnh Giang Chí và nhiều chuyện kỳ bí liên quan đến quần thể tổ ong ấy.
Tuy nhiên, chuyện "Thần Ong" vật người thì chắc chắn không bao giờ có. Đồng bào ở đây thường thần bí hóa nhiều chuyện trong cuộc sống thường ngày, từng gốc cây, hang đá cũng gắn với những truyền thuyết bí ẩn.
Về việc những người xâm phạm tổ ong bị chết, hoặc bị bệnh, chỉ là vô tình trùng hợp mà thôi, rồi được đồn thổi lên.
Theo tôi, đồng bào thần bí hóa những tổ ong còn có mục đích tạo ra rào cản tâm linh, nhằm bảo vệ tổ ong khỏi bị xâm phạm bởi kẻ trộm”, ông Dưng cho biết.

Theo Tri thức trẻ

Bình luận(0)