Tuần qua, các nhân viên trong nghĩa trang gần Berlin (Đức) đã phát hiện hộp sọ của nhà làm phim Đức nổi tiếng F.W. Murnau (1888-1931), đạo diễn phim ma cà rồng Nosferatu (1922), đã biến mất khỏi phần mộ của ông. Một tuần trôi qua, người ta vẫn chưa hề tìm thấy “tung tích” của hộp sọ. Nhiều người cho rằng hành động này mang động cơ rất bí ẩn.
Song Murnau không phải là người nổi tiếng đầu tiên bị đánh cắp hộp sọ. Danh họa Goya và nhà soạn nhạc Beethoven cũng rơi vào tình trạng này, tuy nhiên trộm đánh cắp hộp sọ của họ đơn giản chỉ là để sưu tầm kỷ vật của người nổi tiếng, hay còn gọi là thú "săn đầu lâu" người nổi tiếng.
“Săn lùng” kỷ vật của người nổi tiếng
Murnau nổi tiếng nhất với bộ phim Nosferatu, được dàn dựng theo cuốn Dracula của Bram Stoker. Mặc dù không thành công thương mại do gặp rắc rối về các vấn đề bản quyền với cuốn tiểu thuyết của Stoker, song phim vẫn được xem là một kiệt tác của nghệ thuật chủ nghĩa biểu hiện. Ông còn đoạt giải Oscar với bộ phim Sunrise (1927).
|
Nhà làm phim Đức F.W. Murnau.
|
Murnau qua đời đã hơn 70 năm, sau khi bị tai nạn xe hơi tại California (Mỹ) hồi năm 1931, khi mới 42 tuổi. Tuy nhiên, thời gian qua, ngôi mộ của ông đã nhiều lần bị “xâm hại” và lần này thì kẻ trộm đã lấy đi hộp sọ của ông.
Hiện cảnh sát vẫn chưa có nhiều thông tin về danh tính của bọn “đạo chích” hay động cơ đánh cắp của chúng. Nhưng tại hiện trường, các nhà điều tra đã tìm thấy dấu vết các giọt nến khô, khiến nhiều người nghi ngờ có một nghi lễ nào đó đã được những kẻ mê tín dị đoan thực hiện trước khi lấy đi hộp sọ.
Điều này có thể xảy ra, bởi mùa Thu năm 2014, dưới một cây cầu ở bang Orissa, miền Đông Ấn Độ, người ta phát hiện ra một “ổ” giấu 21 hộp sọ bị đánh cắp từ các nghĩa trang để phục vụ cho những trò mê tín dị đoan. Tuy nhiên, những người tham gia trong những nghi lễ như vậy lại không kén chọn các hộp sọ mà họ sử dụng.
Và với thực tế là các ngôi mộ gần nơi chôn cất của Murnau lại không hề bị xâm hại, người ta lại càng nghi ngờ khả năng còn động cơ nào đó nữa trong vụ đánh cắp hộp sọ của Murnau.
Không phải là trường hợp duy nhất
Sinh thời, học giả Anh Sir Thomas Browne từng bày tỏ nỗi ghê sợ về việc mộ bị đột nhập. Năm 1658, ông đã viết: “Ai mà biết được số phận thi hài của người đã khuất sẽ ra sao và người đó được chôn cất như thế nào. Di hài bị lôi ra khỏi mộ, các hộp sọ bị lấy làm bát uống và xương cốt bị biến thành tẩu thuốc để giải khuây, đây là những hành động vô cùng ghê tởm”.
Nhưng nỗi sợ ấy cuối cùng vẫn đeo bám ông. Năm 1840, 158 năm sau khi Browne qua đời, ngôi mộ của ông đã bị một nhân công vô tình xáo trộn và sau đó anh ta đã bán hộp sọ của ông để lấy tiền.
Sự việc này lại xảy ra vào năm 1898, khi các quan chức Tây Ban Nha khai quật mộ của danh họa Francisco Goya, đã qua đời ở Bordeaux cách đó 70 năm, họ phát hiện ra hộp sọ của ông đã mất. Họ liền đánh điện về Madrid với thông báo: “Di hài của Goya không có hộp sọ. Làm ơn cho chỉ thị”. Sau đó, họ nhanh chóng nhận được câu trả lời: “Hãy đưa di hài Goya về Madrid, kể cả có hộp sọ hay không”.
Trường hợp này cũng xảy ra với di hài của nhà soạn nhạc Đức Beethoven. Khi tiến hành khai quật mộ ông hồi năm 1863 để chôn cất lại, ai đó đã cắt 2 miếng xương từ hộp sọ của ông để giữ làm kỷ niệm. Những mảnh xương này đã được truyền qua tay nhiều người ở châu Âu cho đến khi chúng đến Bắc California và hiện vẫn được lưu giữ ở đây.
Có lẽ vụ trộm hộp sọ kỳ dị nhất là vụ xảy ra với di hài của nhà soạn nhạc Áo Franz Joseph Haydn. 5 ngày sau khi nhà soạn nhạc qua đời hồi năm 1809, người bạn của ông là Joseph Rosenbaum đã đào mộ lấy đi hộp sọ của ông. Rosenbaum đã rửa sạch hộp sọ và sau đó đặt trong một hộp kính trên kê trên lò sưởi của mình.
Rosenbaum sùng bái âm nhạc của người bạn quá cố và coi hành động xâm hại di hài của nhà soạn nhạc là một cách tôn vinh âm nhạc của ông. Hành động này được giải thích là xuất phát từ việc “săn lùng” kỷ vật của người nổi tiếng làm kỷ niệm.
Ngày nay cũng có nhiều người có sở thích giống Rosenbaum và họ đã không bỏ lỡ các cơ hội để có được những kỷ vật liên quan đến các huyền thoại, sưu tầm chữ ký và thậm chí có người còn sưu tầm cả những lọ nhỏ đựng mồ hôi của Vua rock Elvis Presley.
Tham vọng sở hữu hộp sọ của một thiên tài như Murnau có lẽ cũng là sản phẩm méo mó của thói tôn sùng người nổi tiếng, một việc làm bệnh hoạn và bất hợp pháp.
Hy vọng hộp sọ của Murnau sẽ sớm được tìm thấy. Song đây không phải là việc dễ dàng, bởi hộp sọ của Haydn 11 năm sau mới tìm lại được, trong khi hộp sọ của Goya vẫn chưa hề thấy “tung tích”.
Nhiều người không khỏi lo lắng về những chuyện có thể xảy ra với thi hài của mình sau khi chết. Vì thế, họ không muốn được chôn ở nghĩa trang mà chấp nhận chi hàng ngàn USD để mua những nơi chôn cất được đảm bảo an ninh.