Phân, nước tiểu của loài cá voi thải ra bề mặt đại dương đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định môi trường, chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu, theo công bố nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học trên tạp chí Sinh thái học và môi trường Frontiers.
Chất thải của cá voi (phân, nước tiểu) được cho là có chứa nhiều sắt và ni-tơ, hai chất dinh dưỡng quan trọng bậc nhất cho sinh vật phù du và nhuyễn thể, các loài giáp xác trong chế độ ăn uống. Bằng cách giúp đỡ các quần thể sinh vật phù du và nhuyễn thể phát triển, cá voi đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì hệ sinh thái biển, đánh bắt cá thương mại và thậm chí là ngăn chặn biến đổi khí hậu.
|
Chất thải cá voi đóng vai trò lớn ngăn hiện tượng nóng lên toàn cầu. |
Phát hiện này đặc biệt đúng thời điểm, khi dân số cá voi bắt đầu hồi phục sau khi bị khai thác tràn lan trong những năm đầu thế kỷ 20. Theo nhà khoa học Joe Roman, đồng tác giả nghiên cứu: “Thế kỷ trước, sự suy giảm số lượng cá voi lớn, ước tính từ 60 – 90%, có khả năng thay đổi cấu trúc và chức năng của các đại dương”.
Chất thải của cá voi là những chùm phân lớn (được so sánh khối lượng ngang với một tàu nghiên cứu) và trong có hàng tấn các chất dinh dưỡng. Cá voi lặn sâu dưới đáy đại dương để ăn, nhưng thải phân và nước tiểu trên bề mặt, điều này thực sự quan trọng trong mùa hè, khi sự phát triển của tảo bị hạn chế vì không có đủ chất dinh dưỡng trong biển. Do áp lực nước của đại dương, tiêu hóa của cá voi không bài tiết, chất sắt mà loài này hấp thụ được sẽ theo chất thải ra môi trường. Theo tính toán, mỗi con cá voi nhà táng ị ra khoảng 50 tấn sắt lên bề mặt mỗi năm.
Phân cá voi cung cấp chuỗi thức ăn cho tất cả các sinh vật biển trên thế giới, tạo ra hệ sinh thái khổng lồ dưới đại dương và đó chính là tiền đề căn bản cho việc ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu đe dọa Trái đất chúng ta. Nghiên cứu được kỳ vọng góp phần hiểu rõ hơn về vai trò của loài động vật lớn nhất thế giới đối với “sức khỏe” của các đại dương.