Một thời khốn khó
“New York ngày ấy là một xứ đặc biệt, không giống nơi nào khác. Lửa bốc lên ở đây vì trăm lý do khác nhau” - bà Berkman - nữ cảnh sát chữa cháy đầu tiên của New York nhớ lại. “Vì xung đột sắc tộc, vì lừa bảo hiểm lấy tiền bồi thường, hay vì các băng đảng ma tuý tranh giành địa phận buôn bán. Có những khu phố mà chúng tôi không bao giờ bén mảng đến”. Quả là một nghề không đơn giản. Song không hẳn vì các nguy hiểm xảy ra trong công việc, mà bởi bà luôn phải chịu đựng không khí thiếu thân thiện ở ngay đơn vị mình, chỉ vì là một phụ nữ.
Từ khi còn bé, bố mẹ bà đã giáo dục bà theo tinh thần vì cộng đồng. Và một cuốn truyện tranh về nghề chữa cháy đánh thức trong bà tình yêu đối với cái nghề không dành cho phụ nữ này. Phụ nữ ngày ấy có thể làm nông nghiệp, thư ký đánh máy hay bán hàng, nhưng không thấy ai làm bác sĩ hay cảnh sát. Và bà quyết tâm phá rào cản ấy.
|
Brenda Berkman |
“Càng lớn lên tôi càng bực mình khi nghe ai đó nói: cháu không thể làm việc ấy việc nọ, vì cháu là con gái!”. Berkman ghi danh vào trường đại học New York University, tốt nghiệp khoa Sử học rồi học tiếp văn bằng Luật. Nhưng giấc mơ ngày nào không chịu ngủ quên.
Năm 1964, bộ luật về quyền dân sự Civil Rights Act cấm mọi dạng kỳ thị màu da hay giới tính. Từ 1972 trở đi luật ấy mới có hiệu lực ở địa phương, và 1977 lần đầu tiên Phòng Cảnh sát cứu hoả New York (FDNY) cho phép phụ nữ dự sát hạch tuyển dụng. Sinh viên Luật Berkman là người đầu tiên nộp đơn. “Cô ấy tập luyện rất hăng hái, vác tôi trên vai lên xuống cầu thang hàng chục bận” - Ken Gordon, chồng cũ của bà kể lại trong phim tài liệu Taking The Heat hồi 2006.
Trong cuộc thi nói trên, đã có 400 phụ nữ làm bài thi viết, 90 người được đến tiếp vòng thi thể lực.
|
Tháng 11/1982 lớp nữ cảnh sát chữa cháy đầu tiên tốt nghiệp học viện, cùng 103 đàn ông |
“Đúng là trò đùa”
Các ứng viên nữ phải chạy tốc độ, vượt tường, vác một hình nộm nặng 55 kg v.v… và đa số di chuyển khéo léo hơn đàn ông ở không gian hẹp. Nhưng từng người một rụng như sung. Một số nhà báo lên tiếng, nghi nhà chức trách cố tình ra bài thi thật khó để đánh trượt phụ nữ. FDNY phủ nhận. Nhưng Berkman không chịu bỏ cuộc. Bà kiện thành phố tội kỳ thị giới tính trong quá trình tuyển chọn. Tất nhiên bà công nhận là cảnh sát cứu hoả cần một số tố chất cơ bắp, nhưng bài thi không thể hiện các điều kiện thực tế của nghề này, mà có những phần rất tuỳ tiện vô lý. Thời ấy ai kiện nhà nước mà bị thua sẽ trở thành persona non grata (người không được hoan nghênh) và chịu vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Nhưng Berkman vẫn tiếp tục cuộc chiến.
Vụ kiện bắt đầu 1979. Báo chí tung tin luật sư Berkman kiện cáo chỉ để… kiếm tiền thù lao cho chính mình là luật sư và đánh bóng tên tuổi. “Đúng là trò đùa” - bà nhớ lại. “Tôi có được xu nào đâu”. Toà án bắt bà thề phải bỏ nghề luật mới được… làm cảnh sát chữa cháy. Ba năm sau, 1982, Berkman rời toà án với án quyết theo ý mình trong tay.
Giữa năm 1982, cùng 40 phụ nữ nữa, bà hoàn tất kỳ thi với đầu bài mới. Nhưng không khí kỳ thị vẫn dai dẳng tồn tại. Ở các buổi tập đầu tiên với đồng nghiệp nam bà phải làm những bài mà đàn ông được miễn. “Chúng tôi có giáo viên tốt và giáo viên dở. Một số muốn dạy chúng tôi các kỹ năng, số khác muốn chúng tôi phải bỏ cuộc” - bà Berkman nhớ lại. “FDNY nhắm mắt như không thấy gì”.
|
Chủ tịch đầu tiên của tổ chức United Women Firefighters vẫn tích cực tuyên truyền về bình đẳng giới cho trẻ em. |
Thế giới Hollywood và thực tế khắc nghiệt
Nhiều đồng nghiệp của bà cắn răng chịu mọi sự hành hạ vô lý ấy, nhất là phụ nữ, họ sợ bị cô lập, tẩy chay hay thậm chí sa thải. “Thoạt tiên chúng tôi nghĩ, nếu chúng tôi hoàn thành mọi chỉ tiêu thì không khí thù hằn ấy sẽ tan đi. Nhưng chúng tôi nhầm”. Berkman và các nữ đồng nghiệp lập ra hội nữ cảnh sát cứu hoả “United Women Firefighters” còn tồn tại đến tận hôm nay.
“Tổ chức này đã cho chúng tôi một tiếng nói mạnh mẽ. Nhưng lạ thay, quan điểm kỳ thị không chỉ đến từ giới mày râu. Một số bà vợ của cảnh sát chữa cháy da trắng biểu tình trước cửa nhà để xe, phản đối… có một phụ nữ da đen làm việc ở đó!” - bà Berkman kể lại.
Dư luận hầu như không biết gì nhiều về nghề này. Phim ảnh của Hollywood miêu tả họ như những siêu nhân, vác người chạy băng băng trong lửa, nhưng thực tế đó là công việc bẩn thỉu và nguy hiểm, họ phải bò bốn cẳng vì sức nóng và khói độc toả lên trên, và nạn nhân không được cõng, mà bị lôi xềnh xệch khỏi đám cháy. Và kỳ thực là chủ yếu họ không đến dập các đám cháy, mà làm công tác cứu thương trên đường cao tốc, đỡ đẻ dọc đường hay dọn dẹp sau tai nạn.
Cách hành xử thù địch của đồng nghiệp đàn ông là một phần cuộc sống của bà trong nhiều năm. 1994 bà lên chức sĩ quan. Hai năm sau bà là phụ nữ và cảnh sát cứu hoả Mỹ đầu tiên theo chương trình thực tập trong Nhà Trắng - một vinh dự lớn, chỉ chọn 15 người trong khoảng 1.000 ứng viên.
Bi kịch vô tận
Ngày 11/9/2001 Berkman được nghỉ, khi toà tháp đôi của World Trade Center bị al-Qaeda tấn công và huỷ diệt. Tất nhiên bà đến ngay hiện trường. “Tôi tưởng là sẽ chết hôm đó. Chưa bao giờ tôi thấy cái gì khủng khiếp như vậy trong đời”. Hơn 330 cảnh sát chữa cháy bỏ mạng trong cuộc lùng kiếm người sống sót, trong hôm đó và cả một tuần sau vẫn còn thêm cảnh sát chết vì ngộ độc khói.
Sau vụ 11/9 cảnh sát chữa cháy Mỹ trở thành những người hùng của đất nước, riêng Berkman bị ghét vì lên tiếng đòi tôn vinh cả phụ nữ trong đó. Lời giải thích có lẽ vượt quá sức tưởng tượng của thế giới văn minh: ở Ground Zero không có nữ cảnh sát cứu hoả nào bị chết!
Đã có rất nhiều khoảnh khắc mà bà muốn vứt bỏ tất cả: “Bạn bè và gia đình tôi luôn lo cho tôi. Họ sợ không khí kỳ thị sẽ dần dần biến tôi thành con người cay đắng và bi quan” - bà Berkman cười. “Nhưng tại sao tôi lại để bọn ngu chiến thắng?”.
Berkman không gây ấn tượng là một chiến sĩ đấu tranh cho những người bị tước quyền. “Tôi rất lì. Nhất là khi mọi người khuyên tôi nhắm mắt như không thấy sự ngang trái. Nhưng tính lì lợm không chiếm phần lớn trong cuộc đời tôi. Tôi không có câu trả lời cho mọi vấn đề”. Dĩ nhiên, bà có thể phát biểu nhiều hơn, về vấn đề giới tính, về những tấm gương phụ nữ, như nữ phóng viên Gloria Steinem từng bí mật chui vào hang ổ của Playboy năm 1963 để viết phóng sự. Bài viết A Bummy’s Tale của Steinem làm vang động nước Mỹ. Bà ghi nhớ một câu có cánh của Steinem: “Chỉ có một thứ khó hơn bắt tay vào làm một việc nào đó, là bỏ không làm việc ấy”. Dường như câu đó dành cho Brenda Berkman? Năm 2008, đại uý Brenda Berkman về hưu nhưng không ngừng khuyến khích phụ nữ vào những nghề “có đa số đàn ông”.