Cơn mưa kỳ lạ đã để lại những vệt dài như bột khắp một vùng diện tích rộng lớn, trải dài gần 322km ở các khu vực phía đông bang Oregon và bang Washington của Mỹ. Các nhà khoa học và cư dân địa phương đều cố gắng tìm hiểu về nguồn gốc của hiện tượng lạ này.
|
Giải mã bí ẩn "mưa sữa" ở tây bắc Thái Bình Dương. |
Một số nhà khoa học ban đầu phỏng đoán rằng, một núi lửa phun trào của Nhật là nguồn cung cấp chất bột trắng trút xuống trong cơn mưa. Số khác lại đổ lỗi cho những đám cháy rừng, trong khi một vài ý kiến lại quy một trận bão bụi Nevada là thủ phạm.
Cả ba giả thuyết trên vừa được chứng minh là sai, khi một nhà hóa học cùng với một chuyên gia khí tượng và hai nhà địa chất đến từ Đại học Washington (Mỹ) cùng kiểm tra thành phần hóa học của các mẫu nước mưa và phân tích dữ liệu kiểu gió tháng 2. Nhóm nghiên cứu phát hiện, gió thổi từ phía nam tới, trước khi mưa sữa trút xuống.
Lượng natri trong các mẫu nước mưa cũng cung cấp thêm một manh mối nữa, ám chỉ sự liên quan đến nguồn muối ở một lòng hồ khô cạn. Điều này dẫn các nhà nghiên cứu tới xem xét hồ Summer của Oregon, nơi khá nông và thường gần như khô cạn trong các đợt hạn hán.
Một cơn bão với những trận gió đạt tới 96,5km/h đã quét qua hồ Summer vào đêm trước khi xảy ra mưa sữa. Cơn bão này được cho là đủ mạnh để cuốn lượng lớn bụi lên cao. Các phân tích thêm đã xác thực, hồ Summer chính là khởi nguồn của cơn mưa sữa.