Giải pháp giảm phát thải trong ngành thực phẩm hướng tới Net Zero

Google News

Các doanh nghiệp thực phẩm đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc giảm phát thải, như: áp lực cạnh tranh, yêu cầu đổi mới công nghệ, hạn chế về công nghệ và tài chính...

Chiều ngày 8/8, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), trong khuôn khổ Triển lãm Vietfood & Beverage – Propack 2024, đã diễn ra hội thảo "Hướng tới Net Zero: Chiến lược và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính cho ngành thực phẩm”.
Sự kiện được tổ chức bởi Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP.HCM (CIIS) và Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad. Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.
Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Sàn Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA), nhấn mạnh: “Báo cáo kiểm kê nhà kính là bước tiên quyết nếu doanh nghiệp muốn thực hiện dự án tín chỉ carbon. Doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê để xác định mức phát thải và nhận tín chỉ carbon cho lượng phát thải giảm so với mức ban đầu.”
Ông An cũng cho rằng các doanh nghiệp thực phẩm cần tập trung vào các giải pháp giảm phát thải và sử dụng năng lượng tái tạo để thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Giai phap giam phat thai trong nganh thuc pham huong toi Net Zero
 Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Sàn Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) chia sẻ tại hội thảo.

Theo ông An, tại COP28 ở Dubai, hơn 60 quốc gia ký kết "cam kết làm mát" nhằm giảm tác động khí hậu và tiết kiệm hàng nghìn tỷ đô la đến năm 2050. Đồng thời, 198 bên đạt thỏa thuận "The UAE Consensus" để giữ nhiệt độ toàn cầu dưới 1.5°C, với quỹ hơn 15 nghìn tỷ USD. Việt Nam đang tiên phong giảm phát thải ròng về 0, đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng đổi mới để theo kịp xu hướng toàn cầu.
"Các doanh nghiệp thực phẩm đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc giảm phát thải, như: áp lực cạnh tranh, yêu cầu đổi mới công nghệ, hạn chế về công nghệ và tài chính, thiếu nhận thức về phát triển bền vững, và áp lực từ tăng trưởng dân số và nhu cầu thực phẩm"- ông An chia sẻ. Ông An cho biết nhiều doanh nghiệp trong danh sách 1912 đơn vị bắt buộc kiểm kê khí nhà kính không biết mình có tên do thông tin chưa rõ ràng, trong đó 321 doanh nghiệp thuộc ngành thực phẩm, chiếm khoảng 17%.
Tại hội thảo, ông Hoàng Danh Tùng, Cố vấn cấp cao của Công ty CP Phần mềm Di Gi Win Việt Nam (DigiwinSoft), cho biết quy trình kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064-1 bao gồm: thành lập ban xúc tiến, xác định ranh giới báo cáo, xác định nguồn phát thải, lập danh sách thu thập dữ liệu hoạt động, tính toán lượng phát thải carbon, quản lý chất lượng dữ liệu, tạo lập báo cáo và nhận xác minh của bên thứ ba.

Giai phap giam phat thai trong nganh thuc pham huong toi Net Zero-Hinh-2
Ông Lê Hoàng Minh nói về những thành tựu và cách xây dựng kế hoạch Net Zero của Công ty Vinamilk 
Tại hội thảo, các chuyên gia phân tích các yêu cầu mới, bước kiểm kê, và giải pháp chuyển đổi, nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cần thiết cho doanh nghiệp. Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi về việc duy trì hiệu quả sản xuất trong khi giảm phát thải. Các chuyên gia cũng đã cung cấp thông tin chi tiết và các bước khả thi cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp như Vinamilk và Tân Hiệp Phát đã chia sẻ kết quả trong hành trình giảm phát thải. Cụ thể, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất và Trưởng dự án Net Zero của Vinamilk, chia sẻ công ty đã giảm 3% rác thải và phát thải CO2 trong sản xuất sữa chỉ bằng ½ so với các trang trại khác trên thế giới. Vinamilk đã trồng 1 triệu cây xanh từ 2012 và khoanh nuôi 25 ha rừng ngập mặn tại Cà Mau, với mục tiêu Net Zero vào năm 2027. Còn ông Benzin đến từ GEA đối tác của Tân Hiệp Phát cho biết công ty đã giảm trọng lượng chai nhựa xuống còn 13gram và giảm đến 20% lượng khí thải CO2.
 
Mở các khóa đào tạo chuyên sâu về giảm phát thải

Hội thảo thu hút hơn 120 doanh nghiệp và chuyên gia môi trường, thể hiện sự quan tâm đến mục tiêu Net-Zero. Ban tổ chức đã gửi lời cảm ơn và tặng quà lưu niệm cho các chuyên gia, đồng thời thông báo kế hoạch mở các khóa đào tạo chuyên sâu về giảm phát thải. Các doanh nghiệp được khuyến khích điền phiếu khảo sát nhu cầu đào tạo để xây dựng chương trình phù hợp. Hội thảo đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Tiến trình hướng tới Net-Zero hứa hẹn sẽ tiếp tục là một cuộc đua đầy thử thách và mở ra cơ hội lớn cho ngành thực phẩm Việt Nam.


Ngọc Bích

>> xem thêm

Bình luận(0)