Giải mã lý do vì sao chim hót

Google News

(Kiến Thức) - Vì sao chim hót? Câu hỏi này có vẻ đơn giản nhưng thật ra câu trả lời không hề đơn giản. Tiếng hót của loài chim là chủ đề nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như là nguồn cảm hứng của nhiều nhạc sỹ, nhà thơ từ nhiều thế kỷ nay.

Vì sao chim hót? Nếu loài người sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp thì loài chim cũng giao tiếp thông qua những “bài hát” của mình. Chim non phải học cách hót từ chim bố mẹ, và các loài chim khác có trong môi trường sống của chúng. Một số loài thậm chí học cách nhận biết tiếng hót của cha mẹ ngay từ khi còn ở trong trứng – giống như thai nhi có thể nhận biết tiếng nói của mẹ từ lúc còn nằm trong bụng.
Chim có thể hót được nhờ một bộ phận giống như thanh quản ở người, có kích thước như hạt đậu. Khi nói về những “bài hát” của chim, người ta không thể chỉ nói đến một loại âm thanh. Đó là phức hợp của nhiều âm thanh, được sử dụng cho những mục đích nhất định, trong những hoàn cảnh nhất định. Các nhà khoa học đã phân loại các loại tiếng hót của chim như sau.
 
Hót để báo động
Loại âm thanh này thường rất sắc, mạnh, có khả năng truyền dẫn nhanh nên có thể nghe được từ rất xa. Loài chim cất ra tiếng kêu này mỗi khi chúng cảm thấy bị đe doạ hoặc cần báo động cho đồng loại về một nguy cơ nào đó.
Hót để yêu cầu giúp đỡ
Là tiếng kêu chiêm chiếp của các chú chim non. Chúng thường kêu những tiếng nhỏ, yếu ớt trong lúc đập đôi cánh của mình để có được sự chú ý của chim mẹ.
Hót để liên lạc
Những tiếng kêu này của chim cũng giống như cách chúng ta chào hỏi bạn bè hoặc thăm hỏi xem họ có ổn không. Các loài chim di chuyển theo đàn thường dùng tín hiệu này để báo cho nhau về đường di chuyển, một nguồn thức ăn tốt, hoặc một đàn khác cũng đang di chuyển trên đường đi của chúng.
Hót để gây ấn tượng và để đánh dấu lãnh thổ
Trước đây người ta vẫn tin rằng chim đực thường cất giọng hát hay nhất của mình khi hấp dẫn chim cái, hoặc giọng đe doạ nhất để đánh dấu lãnh thổ của mình với các chim đực xung quanh. Tuy nhiên, một nghiên cứu thực hiện năm 2016 của đại học Cornell đã cho thấy trong số hơn 1.000 loài chim biết hót trên toàn thế giới, có tới 64% loài có chim cái biết hót.
Hót vì sinh ra để hót
Tất nhiên loài người vẫn chưa thể hiểu hết các lý do chim hót. Vì thế có giả thuyết cho rằng cũng giống như loài người thích ca hát, chúng làm việc đó để giải trí. Mời bạn nghe bài hát của một loài chim ở Úc có tên Lyrebird. Loài chim này có khả năng đặc biệt trong việc bắt chước các loại âm thanh khác nhau, kể cả tiếng cười của con người hoặc tiếng động cơ ô tô.
Âm nhạc và nghệ thuật lấy cảm hứng từ tiếng chim
Giai điệu véo von của tiếng chim hót đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận với một số nhà soạn nhạc và nghệ sỹ. Bản giao hưởng “Goldfinch" của Vivaldi, giao hưởng số 6 của Beethoven đều có đoạn mô phỏng tiếng hót của một số loài chim. Wagner thì đưa bài hát “chú chim trong bụi cây” vào vở opera nổi tiếng của mình mang tên ‘Siegfried’.
Gần đây nhất, David Rothenberg, một nghệ sỹ nhạc jazz và triết gia, đã dành nhiều năm tìm hiểu và viết sách về tiếng hát của loài chim. Anh đã thành công trong việc dùng các loại nhạc cụ khác nhau như sáo, kèn để giao tiếp với các loài chim.
Khi David chơi nhạc cụ, một chú chim nào đó sẽ tò mò lắng nghe sau đó cất tiếng hót hoà nhịp với bản nhạc của anh.
Theo ANTĐ

>> xem thêm

Bình luận(0)