Cá Ông (tức cá voi, cá heo, cá nhà táng và các loại cá lớn nói chung) liên tục dạt vào bờ thời gian gần đây ở vùng biển Việt Nam. Đây là loài cá lớn, rất được người dân coi trọng nên xung quanh loài cá này có nghi thức an táng rất đặc biệt.
Tục thờ cá Ông là một tín ngưỡng dân gian vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam từ Thanh Hóa đến toàn bộ cá tỉnh ven biển miền Nam. Đây là tín ngưỡng của cư dân vùng biển, hay còn gọi là vạn chài. Cá Ông ở đây là cá voi lưng xám mà theo ngư dân chính là thần Nam Hải. Ngư dân thường phối thờ Cá Ông cùng các vị thần khác đã giúp đỡ và phù hộ cho ngư dân no ấm như: Ngũ Hành Nương Nương, Hữu Lý Ngư, Tả Lý Lịch...
|
Ngư dân tắm rửa chuẩn bị an táng cho cá Ông. Nguồn ảnh: Tuổi trẻ |
Theo lệ thì dân chài ai phát hiện được cá voi mắc cạn thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Việc an táng này có
nguồn gốc từ tục thờ Cá Ông của người Chăm. Tuy nhiên, trải qua sự bản địa hóa, tục thờ cá Ông trở thành tín ngưỡng của người Việt và cả người Hoa.
Đối với người Việt và người Hoa, Cá Ông chính là mảnh pháp y (áo choàng sau) của Quan Thế Âm (hay Nam Hải Bồ tát) quăng xuống biển để cứu giúp cư dân vùng biển trong cơn giông tố giữa biển. Tục thờ cá Ông hình thành để cầu yên cho các ngư dân ra khơi đánh cá và mong được mẻ cá lớn. Tục này thời Gia Long đã thành lệ. Người phát hiện ra cá voi mắc cạn thì được nhân dân tôn sùng và dưới triều nhà Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm.
Theo quan niệm, cá Ông lị và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi.
|
Bộ xương cá voi trong Lăng Ông Nam Hải, thuộc Khu du lịch Hòn Đá Bạc ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. |
Để tiến hành
an táng cá Ông, xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Dân làng còn lấy giấy đỏ đắp vào miệng cá thấm lấy nước dãi, xong đem phơi khô rồi đốt thành tro để chữa bệnh suyễn. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển.
Ba bốn năm sau khi chôn thì dân làng phải cải táng, thường làm vào mùa xuân sang hè rồi đem cốt cho nhập lăng và tế chung. Đối với xương cá Ông to lớn thì dân làng sẽ chờ đủ 3 năm cho xương cốt rã ra rồi mới đem vào hòm để đưa về làng thờ. Với trường hợp cá nhỏ, người ta sẽ cho trực tiếp vào hòm và đem về thờ. Khi tế cá thì dân làng cũng cúng các vong hồn ngư dân chết ngoài biển. Tế xong thì có các mục mua vui như hát "chèo ghe", đua thuyền thúng, kéo co, hát tuồng cùng các trò khác.
Việc an táng loài vật này đã trở thành một nét văn hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo lý giải khoa học, việc cá Ông dạt vào bờ một phần vì khi giông tố nổi lên thì cá voi cũng bị sóng biển đẩy vào bờ và dễ bị mắc cạn. Cá voi theo thuyền để tìm vật cọ xát cho con cá ép trên thân mình rớt ra. Vì hiện tượng song hành này ngư dân cho là cá "giúp" dân chài.