Từ 250 triệu đồng - 7 tỷ đồng
GS.TS Lê Đình Lương, Trung tâm Phân tích ADN & Công nghệ Di truyền kể lại: Phát minh về máy nhân gen ra đời đã làm thay đổi thế giới, từ đó đến nay, trong khoảng 40 năm, ngành công nghệ gen đã có những bước thay đổi vượt bậc. Ông nhớ lại: "Năm 1988, tôi đi dự hội nghị Di truyền học Quốc tế tại Toronto, Canada. Cả hội nghị sôi sùng sục vì một phát minh vĩ đại. Phát minh này tạo điều kiện cho các nhà khoa học rút ngắn quá trình nghiên cứu, hạ giá đầu tư cho thiết bị".
Sau đó, ông đã mua một chiếc máy nhân ADN của Liên Xô (cũ) với giá 200USD, một gia tài lớn thời đó. Đây chính là chiếc máy nhân ADN đầu tiên ở Việt Nam. Khi đó chiếc máy thực sự là một bước tiến lớn, bởi chúng ta vẫn đang phải dùng phương pháp nhân ADN bằng tay rất công phu. Bây giờ, chiếc máy nhân gen đầu tiên này đã được ông cất vào tủ để làm kỷ niệm, thay vào đó là 3 chiếc máy nhân gen khác hiện đại hơn.
GS.TS Lương cho biết, vào năm 2004 khi Trung tâm Phân tích ADN & Công nghệ Di truyền được thành lập, lúc đó, máy móc vẫn còn rất thiếu thốn, số tiền đầu tư chỉ vào khoảng 250 triệu đồng. Thời đó, trung tâm vẫn sử dụng chiếc máy nhân gen mua ở Liên Xô cũ, các bước đọc kết quả đều được thực hiện bằng tay. Vậy mà từ 2004 đến nay, chưa đến 10 năm, trung tâm đã nhiều lần thay đổi máy móc và số tiền đầu tư, riêng cho thiết bị đã lên tới hơn 7 tỷ đồng.
Thay vì đọc kết quả bằng tay thì nay công việc này đã được hỗ trợ bằng 2 chiếc máy mà mỗi máy có giá tới 3 tỷ đồng. "Nói ra thế không phải là khoe khoang mà là để thấy được máy móc thiết bị công nghệ đã thay đổi đến mức nào", GS.TS Lê Đình Lương chia sẻ.
|
Một trong những máy PCR hiện đại đang được sử dụng tại trung tâm. |
Đi ngang bằng với thế giới
GS.TS Lê Đình Lương cho biết, trong lĩnh vực gen này, hiện nay thế giới làm được thế nào thì Việt Nam làm được thế đó. Như ở Mỹ hiện nay người ta thực hiện nhân 16 đoạn gen, thì chúng ta cũng nhân được 16 đoạn, họ thực hiện trong 4 tiếng, chúng ta cũng đạt được thời gian ngần ấy. Nhiều người rất bất ngờ về khả năng này của Việt Nam. "Họ hỏi tôi là chúng ta có đạt chuẩn không. Tôi cho rằng, trong công nghệ cao không có chuẩn quốc tế hay chuẩn Việt Nam riêng biệt, mà chỉ có 1 chuẩn duy nhất. Chúng ta cũng nhân 16 đoạn với 32 chi tiết, cũng vẫn máy ấy, hóa chất ấy, thời gian như nhau và chuẩn mà chúng ta đạt được cũng như tiến bộ của thế giới".
GS.TS Lê Đình Lương chia sẻ thêm, trước đây để có kết quả giám định gen phải mất 1 tuần với giá khoảng 3 triệu đồng. Hiện nay, kết quả có được chỉ trong vòng 4 tiếng với giá 10 triệu đồng và thay vì lấy ngay trong vòng 4 tiếng, nếu chờ 5 ngày thì chỉ mất 4 triệu đồng. Việc chờ từ 4 tiếng sang 5 ngày không phải là do kỹ thuật mà là do nếu làm ngay, một mình một máy, một lượng hóa chất nên sẽ tốn nhiều tiền. Còn nếu sau 5 ngày, với nhiều mẫu được thực hiện cùng nhau thì giá thành sẽ giảm xuống.
"Không có lý gì mà chúng ta không tận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất đã được công nhận trên thế giới hiện nay để đưa về ứng dụng. Tôi khẳng định trong ngành công nghệ gen thì hiện nay chúng ta có thể đi ngang bằng với thế giới, tuy quy mô nhỏ hơn".
GS.TS Lê Đình Lương