Giống lúa kháng bệnh, dẻo thơm
"Giải mã gen một số giống lúa bản địa của Việt Nam" là Dự án trong khuôn khổ Chương trình hợp tác quốc tế về KH&CN giữa Bộ KH&CN với Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Sự sống và Công nghệ sinh học của Vương quốc Anh. Dự án được thực hiện trong thời gian 30 tháng, từ tháng 1/2011 - 6/2013. Việc giải mã hoàn chỉnh hệ gen cây lúa mở ra hướng nghiên cứu về genome học và ứng dụng tin sinh học để khai thác trình tự genome (hệ gen) phục vụ công tác nghiên cứu và chọn tạo giống lúa.
Cơ sở dữ liệu của 36 giống lúa đã giải mã là nguồn quý giá để tầm soát các gen chức năng như kháng rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, chịu hạn, chịu mặn, gen chất lượng, gen thơm; định vị chính xác các gen đích trên bản đồ, thiết kế các marker chức năng là những market liên kết chặt với các gen đích giúp chọn lọc cá thể mang gen đích một cách chính xác phục vụ công tác lại tạo giống.
Theo TS Lê Huy Hàm, Viện Di truyền Nông nghiệp, đây cũng là lần đầu tiên xây dựng được trình duyệt genome và bản đồ các SNPs của các giống lúa bản địa của Việt Nam để công bố quốc tế và trong nước giúp các viện, trường và các cơ sở nghiên cứu khai thác, nghiên cứu về ứng dụng tin sinh học trong bảo tồn nguồn gen quý, phân loại học, chọn tạo giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu các loại sâu bệnh. Đây là nghiên cứu mở ra cách bảo tổn nguồn gen, xác định chức năng gen cũng như chọn tạo giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu các loại sâu bệnh và điều kiện bất lợi sinh học và phi sinh.
Nếu các giống lúa hiện đại được bổ sung các gen cổ này, việc Việt Nam sở hữu những giống lúa đặc chủng là hoàn toàn có thể.
|
Việc giải mã thành công gen lúa cổ sẽ góp phần tạo ra các giống lúa mới năng suất cao. |
Sẽ tiếp tục giải mã 600 giống lúa khác
TS Lê Huy Hàm cho biết, giai đoạn 2 của Dự án sẽ tiếp tục giải mã bộ gen của 600 giống lúa; khai thác sử dụng dữ liệu đã có, đào tạo nhân lực tiến tới làm chủ hoàn toàn việc giải mã, khai thác, sử dụng công cụ genome trong chọn tạo giống cây trồng.
TS Khuất Hữu Trung, Viện Di truyền Nông nghiệp, Chủ nhiệm đề tài cho biết, việc giải mã genome một số giống lúa bản địa của Việt Nam có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi sinh học phục vụ công tác chọn tạo giống. Tới đây, việc nghiên cứu ra các loại giống lúa mới của Việt Nam sẽ có thể bổ sung được các tính trạng tốt có trong gen các loại lúa cổ này để nâng cao năng suất và phẩm chất của các giống lúa hiện đại.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện Nnghiên cứu Lúa, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, mỗi cây lúa có 44.500 gen, việc giải mã gen lúa cổ có thể bổ sung gen này vào cây lúa hiện nay. Việt Nam có nhiều giống lúa địa phương phong phú, đa dạng với khả năng chịu hạn, chịu mặn, kháng rầy nâu, đạo ôn, bạc lá nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Trong khi đó, Việt Nam chưa có cơ sở nghiên cứu nào đủ trang thiết bị kỹ thuật để giải mã hoàn chỉnh hệ gen của loài thực vật bậc cao. Giống lúa cần đảm bảo chất lượng tốt, năng suất cao, chống chịu nhiều yếu tố bất lợi, chống rầy nâu, đạo ôn, khô vằn, bạc lá, chống mặn, hạn... Điều này có thể trở thành hiện thực khi việc giải mã các gen lúa cổ thành công.
Genome (hệ gen) tập hợp toàn bộ DNA trên cơ thể sinh vật, bao gồm tất cả các gen của cơ thể đó. Việc giải mã toàn bộ hệ gen của các giống lúa sẽ cung cấp thông tin ở mức độ phân tử một cách đầy đủ nhất, từ đó có thể khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn gen quý trong các chương trình chọn và lai tạo giống. Các giống lúa được giải mã đều là các giống lúa bản địa Việt Nam năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu các điều kiện bất lợi sinh học và phi sinh học phục vụ việc chọn tạo giống.