Chuyện lạ hôm nay do trang Dailymail đưa tin, Rebecca Sharrock, 27 tuổi, hiện đang sống tại Australia, là một trong số ít người mắc hội chứng trí nhớ siêu phàm (HSAM).
Rebecca Sharrock có thể nhớ tất cả các chi tiết trong cuộc đời mình bắt đầu từ lúc cô được 12 ngày tuổi. Đáng kinh ngạc hơn, không chỉ nhớ được những gì mình đã làm mà Rebecca có thể nhớ cả những chi tiết không liên quan ví dụ như cô đã mặc gì? đã ăn gì, ở đâu... thậm chí cả thời tiết hôm đó như thế nào, Rebecca cũng đều nhớ như in.
Nhiều người biết đến Rebecca khi cô nàng thể hiện tài năng, đọc không sót một chữ nào trong bộ truyện Harry Potter 7 tập.
Được biết, sở dĩ Rebecca yêu thích và ghi nhớ từng câu chữ trong bộ truyện Harry Potter là bởi khi còn bé, Rebecca hay gặp ác mộng. Để con gái bình tĩnh lại và đi vào giấc ngủ yên lành, cha mẹ của Rebecca đọc từ trang đầu tiên của bộ truyện Harry Potter cho cô nghe.
Cũng bởi có trí nhớ siêu phàm, cô gái Rebecca Sharrock được xem là một dị nhân. Hiện, theo thống kê, trên thế giới chỉ có 80 người sở hữu trí nhớ hình ảnh chi tiết hay trí nhờ siêu phàm giống như Rebecca.
Theo chia sẻ, lúc được 12 ngày tuổi, trí não non nớt của Rebecca đã bắt đầu ghi nhớ chi tiết sự vật, sự việc, hiện tượng. Theo trí nhớ siêu việt của cô gái trẻ, khi cô được 12 ngày tuổi, ký ức sớm nhất của Rebecca hình ảnh mẹ cô đặt cô vào xe và chụp một bức ảnh.
Tuy nhiều người ngưỡng mộ trí nhớ của Rebecca nhưng trên thực tế, cô gái trẻ mắc phải "lời nguyền" của những người có siêu trí nhớ. Đó là khi nhớ quá nhiều, bộ não của Rebecca có phần quá tải dẫn đến mất ngủ. Đáng nói là, khi nhớ lại những chuyện cũ, tâm trạng của Rebecca bị cảm xúc lấn lướt. thường đắm chìm vào những câu chuyện xưa.
Trước đó, Rebecca từng bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ và rối loạn ám ảnh cưỡng chế do trí nhớ bất tường của mình. Rất may, vào năm 2011, mẹ của Rebecca đã tình cờ phát hiện ra căn bệnh của con gái sau khi xem một chương trình khoa học trên ti vi.
Hiện nay, cô gái trẻ đã sống tích cực, cởi mở hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, Rebecca Sharrock còn bật mí thêm rằng, bản thân cô đang tham gia vào hai nghiên cứu về trí nhớ với nỗ lực tìm kiếm câu trả lời về cách thức hoạt động của bộ não, tâm trí.
"Mục đích duy nhất khi tôi tham gia các hoạt động thí nghiệm là để các nhà nghiên cứu có thể tìm ra câu trả lời chính xác về cách thức hoạt động của bộ não, từ đó khơi nguồn hi vọng tìm ra bất cứ điều gì để giúp đỡ những người mắc chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer", Rebecca Sharrock nói.