Vài năm về trước, những bức ảnh chụp cú tuyết của Christine Blais-Soucy ở khu vực Ungava Peninsula, Quebec, Canada đã gây sốc cộng đồng mạng.
Nhân vật trong ảnh là một con cú tuyết non đang nằm trong tổ với 70 xác lemmut xung quanh. Lemmut là một loài gặm nhấm nhỏ, cũng là thức ăn quan trọng của cú tuyết trong mùa sinh sản.
Denver Holt, làm việc tại Viện nghiên cứu cú, người thực hiện nhiều nghiên cứu dài hạn về cú tuyết ở Barrow, Alaska từ đầu thập niên 90, cũng đã chứng kiến cảnh tượng kinh ngạc này vài lần.
Ông nói: "Trong khoảng thời gian lemmut sinh sản mạnh, chúng tôi tìm thấy 20-25 xác lemmut hoặc hơn tại mỗi tổ chim cú tuyết. Lần ghi nhận nhiều nhất lên đến 72 con".
|
Cú tuyết non giữa đám mồi gây sốc cộng đồng mạng - (Ảnh: Christine Blais-Soucy). |
So với nhiều loài chim khác cũng dự trữ thức ăn như diều hâu, gõ kiến bụng đỏ, cú lợn lưng xám... cú tuyết có lẽ là loài tha mồi về tổ nhiều nhất (những loài này thường chỉ tha 5-15 con mồi về).
Không phải lúc nào cú tuyết cũng ăn hết mồi được mang về. Việc chúng tha cả đống mồi về nhằm dự trữ trong trường hợp thời tiết xấu hoặc khi không săn mồi được. Người ta ghi nhận bọn cú còn dự trữ mồi ở một chỗ khác cách xa tổ.
Điều đáng chú ý nữa là công việc dự trữ mồi này hoàn toàn do cú trống đảm nhận. Khả năng săn mồi của cú trống càng giỏi thì số lượng xác lemmut tìm thấy tại tổ càng nhiều.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy công việc chăm sóc con non của một cặp cú được phân chia rạch ròi: con trống với kích thước nhỏ hơn sẽ đi săn, con mái sẽ ở tại tổ để ấp và mớm thức ăn cho chim non.
Cú trống phô diễn khả năng "làm bố" ngay từ lúc thời điểm sinh sản bắt đầu: chúng cắp theo lemmut, bay theo một nghi thức kết đôi nhằm thu hút bạn tình.
Chúng còn đóng vai trò người bảo vệ tổ, thường phải giao chiến với những mối nguy hiểm tiềm tàng như cáo tuyết và động vật săn mồi khác. Do đó, ngay cả các nhà nghiên cứu cũng bị chúng tấn công.
Một số nhà khoa học suy đoán hành vi của cú tuyết xuất phát từ vai trò giới tính khác biệt trong mùa sinh sản. Vì cú mái mang kích thước cơ thể to lớn hơn nên chúng phù hợp cho việc ấp trứng và che chắn con non.
Ngược lại, kích thước bé nhỏ giúp cú trống cơ động hơn, tạo nên lợi thế săn mồi và tấn công kẻ thù. Chúng thường tấn công cáo tuyết bằng cách bổ nhào từ trên cao xuống. Do đó, sự linh hoạt là vô cùng cần thiết.
Thời gian trứng nở không đồng bộ nên cách vài ngày lại có một trứng nở, và cú non trong một tổ sẽ khác biệt về độ trưởng thành.
Holt cho biết cú non thường phải ở trong tổ khoảng 3 tuần, sau đó chúng sẽ nhanh chóng rời tổ để khám phá thế giới xung quanh, ẩn nấp trong "ngóc ngách và vết nứt trên địa hình lãnh nguyên", nhưng vẫn "gọi" bố mẹ để yêu cầu thức ăn.
Cú trống sẽ tiếp tục cung cấp con mồi cho chúng cũng như cú mái cùng những con non khác vừa nở.
Khi tất cả cú non rời tổ, cú mái có thể ra khỏi tổ, và bản năng làm mẹ tạm thời biến mất. Dù vậy, cú trống vẫn sẽ mang về thức ăn cho con non ngay cả khi chúng bắt đầu bay được (vì kỹ năng săn mồi cần thời gian để hoàn thiện).
|
Bạn có tin không, tất cả số mồi này do một mình cú tuyết trống đảm nhận - (Ảnh: Dan Cox). |
Khi số lượng lemmut phát triển thuận lợi, người ta ghi nhận các trường hợp số lượng cú tuyết "bùng nổ" và tràn xuống phía Nam Canada, thậm chí cả Florida của Mỹ.
Có giả thiết cho rằng hiện tượng trên xảy ra vì những cá thể cú mới lớn bị đánh đuổi khỏi khu vực lãnh nguyên mùa đông vĩ độ cao (tranh giành lãnh thổ), nhưng Holt không đồng ý. Cả giả thiết gợi ý sự thiếu thốn thức ăn buộc cú tuyết phải di chuyển xuống phía Nam cũng chưa thật sự hợp lý.
Cú tuyết là loài chim du cư, có vẻ như chúng sẽ tìm nơi có số lượng lemmut nhiều để làm tổ. Và hiện tượng cú tuyết tràn xuống phía Nam cho thấy cú non đã phát triển rất tốt, dẫn đến việc chúng di chuyển xa hơn, đến khi tìm được khu vực phù hợp để săn mồi.
Trong một năm với thức ăn dồi dào, bạn sẽ bắt gặp nhiều cú tuyết mới lớn ở cùng với nhau tại cùng một khu vực với sinh cảnh mở như bờ hồ, bờ biển, đồng cỏ mang đặc điểm của địa hình Bắc Cực.
Holt giải thích: "Điều này có thể liên quan đến tập tính di cư và đặc điểm địa hình. Chúng sẽ di chuyển về phía Nam dọc theo bờ sông và các địa hình quen thuộc, đến khi tìm thấy thức ăn".
Tuy nhiên, cũng có nhiều cá thể cú tuyết không di chuyển về phía Nam vào mùa đông. Thay vào đó, chúng lại bay về phía Bắc, dành cả khoảng thời gian mùa đông tăm tối và lạnh lẽo để săn vịt biển và vài loài chim sống ở Bắc Cực.