Vượt qua những triền núi đá âm u trầm mặc và những vực sâu thăm thẳm trong vùng lõi vườn quốc gia Xuân Sơn, chúng tôi mới đến được bản Cỏi.
Bản nằm ở lưng chừng một ngọn núi, xung quanh được bao bọc bởi những rừng chò nâu thẳng tắp, vươn mình cao chót vót. Tìm đến bản Cỏi rồi nhưng phải qua vài lần hỏi đường, chúng tôi mới tới được nhà ông Đặng Vĩnh Phúc - Trưởng bản, đồng thời là người hiểu biết nhất về giống gà 9 cựa.
Khi nghe chúng tôi giới thiệu vừa vượt qua quãng đường 270km từ Hải Phòng tìm đến bản chỉ để tìm hiểu về giống gà 9 cựa, ông Phúc liền hồ hởi tiếp chuyện dù công việc chuẩn bị cho cả bản đón Tết bận ngập đầu. Ông cho biết, cách đây khoảng 30 năm, nhiều người trong bản phát hiện một con gà rừng khá lạ với lông màu trắng vàng rất đẹp mắt, tiếng gáy gần giống gà nhà.
|
Một góc bản Cỏi. |
Đặc biệt, chân của con gà này có rất nhiều cựa, mọc chen chúc nhau. Cánh trai tráng trong bản đã thử nhiều cách để bắt gà nhưng không thành công vì chúng bay nhanh chả kém gì chim. Mọi việc tưởng như vô vọng thì ông Phúc nghĩ ra một kế khá “độc”, đó là thả gà mái quanh khu vực con gà rừng hay lui tới. Và chỉ hơn một tháng sau, cách làm của ông đã có hiệu quả. Trong số trứng gà đem ấp, một vài quả đã nở ra gà con có tới 7, 8 cựa.
|
Gà 9 cựa rất khó tiếp cận. |
Nhận thức được đây là giống gà quý, ông Phúc nhân giống rồi cho bà con trong bản cùng nuôi. Hiện cả bản có 91 hộ dân, nhà nào cũng nuôi giống gà nhiều cựa này. Hằng năm, khi mùa xuân ấm áp đến là dân bản bắt đầu gây những lứa gà mới. Ông Phúc cho biết, đặc điểm chung của giống gà 9 cựa là chân rắn chắc và cựa mọc đều mỗi bên, nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm.
Trong cùng một lứa gà, không phải lúc nào cũng có thể nhân giống được gà 9 cựa, có con chỉ có 7 hoặc 8 cựa, có con không có cựa nào. Con gà nào đạt 9 cựa gọi là “vua gà” và được coi là hàng hiếm ở Xuân Sơn. Giống gà này rất khôn, có thể trông nhà thay... chó bởi khi xuất hiện người lạ, nó sẵn sàng xông vào đá.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn thăm nơi nuôi gà 9 cựa, ông Phúc cười và bảo: có chờ được đến tối thì cho xem, chứ giờ chỉ có mấy chú gà đang buộc ngoài vườn để chuẩn bị làm lễ cúng thôi. Hỏi ra mới biết, các gia đình ở bản Cỏi đều dựng trại nuôi gà 9 cựa ở tận sâu trong rừng, giữa môi trường núi đá, không khí trong lành, cách ly với sinh hoạt của con người.
Sáng sớm gà đã vào rừng tự kiếm ăn, chiều muộn mới về chuồng nên nếu muốn bắt hoặc xem thì phải chờ đến tối. Cuộc sống gắn với vùng núi đá vôi nên giống gà này rất khỏe, gà con mới bằng nắm đấm đã bay lên.
Giống gà này ăn khỏe nhưng lớn rất chậm, con nào con nấy chỉ đến khoảng hơn 1kg là chững lại. Tuy nhiên, gà 9 cựa hầu như chỉ thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng vùng núi đất tổ Phú Thọ.
Hiện giống gà 9 cựa được Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn đưa vào diện bảo tồn nguồn gen quý. Huyện Tân Sơn và tỉnh Phú Thọ đã có một số hoạt động nhằm bảo tồn giống gà quý này như “Mô hình chăn nuôi gà 9 cựa” do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ (2008-2010), Đề án bảo tồn nguồn gen gà 9 cựa (2012-2015). Tuy nhiên, việc gia tăng gà giống vẫn còn là bài toán nan giải.
|
Bản Cỏi vẫn giữ được nét hoang sơ. |
Trước đây, có một số người ở TP Việt Trì, Hà Nội cất công lên đây gom vài trăm con gà giống về nuôi. Những tưởng sau 1 năm chăm bẵm có thể hốt bạc, nhưng cuối cùng vẫn phải chào thua vì gà 9 cựa rất khó nuôi, dễ bị nhiễm bệnh và không thể nhân giống ở môi trường miền xuôi.
Việc vận động các hộ người Dao, người Mường nơi đây gia tăng chăn nuôi vẫn là giải pháp tốt nhất để bảo tồn giống gà quý này, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế để góp phần giảm sức ép khai thác rừng
Gà 9 cựa không chỉ có hình dáng đẹp mà còn có ý nghĩa mang đến sự sung túc, may mắn cho gia chủ, cùng với đó thì thịt rất thơm ngon nên nhiều người tìm mua. Đón năm Đinh Dậu, từ tháng 10 âm lịch trở đi, nhiều khách xa từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… đã đến tận bản Cỏi mua gà làm quà hoặc để chơi gà cảnh. Đến đây sẽ tìm được gà 9 cựa “chuẩn” với giá mềm. Một chú gà nhiều cựa thuần chủng, bà con ở bản chỉ bán với giá 300 nghìn đồng/kg, trong khi thị trường bên ngoài, giá có thể lên đến hàng triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, bản Cỏi đông khách mua gà nhất là dịp giáp Tết và lễ hội đền Hùng. Lúc ấy, bản làng heo hút giữa rừng sâu bỗng đông vui, nhộn nhịp như được đánh thức.