Xu hướng lên sàn tại Mỹ của các ông lớn công nghệ châu Á

Google News

Alibaba, NTT Docomo, Sea cùng hàng loạt ông lớn công nghệ châu Á khác đều chọn Mỹ làm điểm khởi đầu cho hành trình gọi vốn quy mô lớn của mình.

Chiều 29/5 (giờ New York), Chủ tịch kiêm CEO của VNG ký thỏa thuận với ông Bob McCooey về việc startup công nghệ này sẽ IPO trên sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới. Theo giới phân tích Mỹ, đây sẽ là công ty Việt Nam đầu tiên IPO trên sàn chứng khoán Mỹ.
Quyết định chọn NASDAQ để lên sàn của VNG được xem là phù hợp nhất với một startup công nghệ bởi đây chính là tiền đề để nhiều ông lớn công nghệ châu Á cất cánh.
Theo thống kê của NASDAQ, hiện có khoảng 205 công ty châu Á chọn sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới này để IPO, trong đó có những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba (trị giá 313,7 tỷ USD), China Mobile (227,6 tỷ USD), NTT Docomo (90 tỷ USD), Sony (46,3 tỷ USD).
Mới đây, startup công nghệ lớn nhất Đông Nam Á là Sea (trước đây là Garena) được cho sẽ hoàn tất thủ tục IPO tại Mỹ vào đầu năm 2018, theo Bloomberg, cho thấy trào lưu lên sàn tại Mỹ đang ngày càng thịnh hành với các ông lớn công nghệ châu Á.
Mỹ - điểm đến của các ông lớn công nghệ châu Á
Vào ngày 19/9/2014, tập đoàn Alibaba chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), thu về gần 25 tỷ USD. Đây là cổ phiếu có màn ra mắt ấn tượng nhất thế giới. Trang IPOboutique nhận định nhà đầu tư gần như mất kiểm soát khi đặt lệnh mua liên tục, đẩy giá cổ phiếu BABA cuối ngày lên mức 68 USD/cổ phiếu, tăng 38% so với giá của đầu phiên giao dịch.
Xu huong len san tai My cua cac ong lon cong nghe chau A
Ngày càng nhiều ông lớn châu Á IPO tại Mỹ và thành công. Ảnh: Wall Street Survivor. 
Jack Ma, đồng sáng lập kiêm CEO Alibaba cũng soán ngôi vương của nhà tài phiệt Hong Kong là Li Ka-shing để trở thành tỷ phú giàu nhất châu Á với tổng tài sản được Bloomberg ước tính khoảng 28,6 tỷ USD. Jack Ma kiếm được 25 tỷ USD chỉ trong năm 2014, trong đó hơn một nửa là từ việc sở hữu 6,3% cổ phần của Alibaba.
Ngoài Alibaba, hai ông lớn công nghệ Trung Quốc khác là Weibo và Momo cũng chọn 2014 là năm chính thức IPO. 2 đại gia này hiện có giá trị thị trường lần lượt 16,9 và 7,6 tỷ USD.
Tại Đông Nam Á, thông tin startup lớn nhất khu vực là Sea (trước đây được biết đến với cái tên Garena) rục rịch IPO thu hút sự quan tâm cực lớn của giới đầu tư. Theo Bloomberg, Sea có thể thu hút khoản đầu tư 1 tỷ USD trong lần IPO này. Trong lần gọi vốn gần nhất, hãng thu về 170 triệu USD, đạt giá trị 3,75 tỷ USD ở thời điểm tháng 3/2016, biến công ty này thành startup lớn nhất Đông Nam Á.
Sea cho biết họ sẽ dùng số vốn mới để đầu tư vào thương mại điện tử. Đông Nam Á được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển bùng nổ nhất, theo Techcrunch. Đó cũng là lý do Alibaba quyết định thâu tóm Lazada với giá 1 tỷ USD vào năm 2016.
Tại sao chọn IPO tại Mỹ?
Trung Quốc là thế lực kinh tế hàng đầu thế giới, Hong Kong là trung tâm tài chính kinh tế châu Á nhưng nhiều công ty lớn chọn New York làm nơi IPO. Trong năm 2014, thời điểm Alibaba IPO trên sàn NASDAQ, có đến 30 công ty khác của Trung Quốc chính thức tham gia sàn chứng khoán Mỹ, mở ra làn sóng IPO tại Mỹ lớn chưa từng có của các ông lớn châu Á.
Một điều đơn giản mà ai cũng thấy được đó là các nhà đầu tư phương Tây luôn có sẵn tiền trong túi và đích ngắm của họ lại chính là các công ty mới nổi châu Á, theo Valuewalk. Thay vì chọn Thượng Hải (SE), Hong Kong (Hang Seng) hay Tokyo (Nikkei), thị trường phương Tây có quy mô lớn hơn nhiều (tất nhiên đi kèm với đó là nhiều đòi hỏi khắt khe).
Xu huong len san tai My cua cac ong lon cong nghe chau A-Hinh-2
Quy mô thị trường lớn, nhiều nhà đầu tư tiềm năng và cơ chế thông thoáng cho các công ty niêm yết là lý do nhiều startup châu Á chọn Mỹ làm nơi để IPO. 
Thị trường chứng khoán Mỹ thực sự khổng lồ và là mảnh đất của những nhà đầu tư lớn nhất thế giới, những người sẵn sàng đổ tiền vào các công ty IPO mới. Quan trọng hơn, việc nhiều công ty châu Á có những màn IPO thành công như Alibaba khiến các startup càng có niềm tin mạnh mẽ.
Hong Kong, trong khi đó – đưa ra những yêu cầu niêm yết được cho là không hấp dẫn đối với công ty. Cụ thể, Hong Kong luôn đặt quyền lợi của nhà đầu tư làm ưu tiên hàng đầu. Về cơ bản, nó mang đến nhiều lợi ích nhưng nó khiến các nhà sáng lập công ty không tự bảo vệ được mình trước các nhà đầu tư.
Chẳng hạn, trong trường hợp của Alibaba, lãnh đạo công ty này muốn nắm quyền tự quyết về việc bầu ai làm Chủ tịch hội đồng Quản trị. Luật của Hong Kong – trong khi đó – đối xử với mọi nhà đầu tư như nhau. Do đó, nhà sáng lập công ty không có tiếng nói lớn hơn so với các nhà đầu tư khác.
Trong khi đó, The Street đánh giá IPO tại Mỹ mang đến cảm giác an toàn và phát triển bền vững cho các công ty châu Á.
Tại sao phải là NASDAQ?
Sàn NASDAQ ra đời năm 1971. So với NYSE (1792), nó chỉ như một hậu bối. Tuy nhiên, NASDAQ được coi là điểm đến của những kẻ tân tiến, chẳng hạn các ông lớn công nghệ trong khi NYSE phù hợp với các công ty cổ điển.
Những công ty niêm yết tại NYSE thường có quy mô lớn, hướng đến phát triển chậm nhưng bền vững. Trong khi đó, công ty niêm yết tại NASDAQ thường hướng đến mục tiêu tăng trưởng, theo Investopedia. Tất nhiên, nhận định này không đúng trong mọi trường hợp.
Chi phí là một vấn đề khác khiến nhiều công ty NASDAQ. Chẳng hạn, một công ty muốn niêm yết 75 triệu cổ phiếu tại NYSE, họ phải bỏ ra 300.000 USD kèm phí thường niên là 69.750 USD trong khi nếu niêm yết tại NASDAQ, mức phí nhiều nhất họ phải bỏ ra là 225.000 USD kèm 68.500 USD phí thường niên.
Theo Đức Nam/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)