Sáng 25/6, tài khoản @Vu_n*** đăng video với nội dung "chú rể ở Bình Phước bế cô dâu chạy thẳng vào nhà mặc kệ gia đình ngăn cản".
|
Dù đã bị xóa khỏi TikTok nhưng video sai sự thật vẫn được dùng để thêu dệt nên nhiều câu chuyện trên Facebook. |
Câu chuyện dối trá lan truyền nhanh trên Internet
Theo chia sẻ của chủ tài khoản trên, do cô dâu mang thai trước ngày cưới nên mẹ chồng kiêng kỵ không cho đi vào cửa trước. Chú rể không muốn vợ thiệt thòi nên đã tự ý bế cô dâu đi vào cửa chính.
Trước khi bị xóa khỏi TikTok, video trên thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, tương tác và hàng trăm bình luận. Thậm chí, một số tài khoản Facebook, YouTube cũng đăng lại video trên, đồng thời thêu dệt nên nhiều câu chuyện khác nhau để tăng tương tác.
Trong đó, trang Beat** đăng lại ảnh cắt clip nhận được hơn 68.000 lượt tương tác, 10.000 bình luận và 7.500 chia sẻ. Hiện bài đăng vẫn tồn tại trên fanpage Beat**.
Ở phần bình luận, không ít ý kiến chửi bới gia đình chú rể vì cho rằng hủ tục con dâu mang thai không được vào cửa trước đáng bị lên án.
Tuy vậy, video trên được gia đình chú rể khẳng định là sai sự thật. Nói với Zing, Bùi Tâm, anh họ chú rể cho biết trong ngày hôn lễ, thấy con dâu đi giày cao gót, mặc váy cưới đi lại khó khăn nên mẹ chú rể đã bảo con trai bế vợ vào nhà cho khỏi ngã. Tuy nhiên, do chú rể đi quá nhanh nên người mẹ mới ngăn lại.
Anh Bùi Tâm khẳng định mẹ chú rể Bình Phước rất yêu thương nàng dâu, hoàn toàn không có chuyện gia đình bắt con dâu mang bầu phải đi cửa sau khi về nhà chồng.
Hiện gia đình của chú rể rất mệt mỏi khi hàng ngày anh phải nhận vài chục cuộc điện thoại hỏi thăm về nội dung đoạn video sai sự thật trên mạng. Cũng vì vậy mà cuộc sống của hai vợ chồng trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gia đình chú rể mong muốn các trang mạng xã hội đăng sai đính chính lại thông tin.
Tiktok gặp vấn đề khó tương tự YouTube
Đoạn clip trên phần nào thể hiện những bê bối nội dung do người dùng đưa lên mà TikTok có thể đối mặt trong tương lai. Nền tảng này sẽ gặp lại vấn đề của YouTube trong việc kiểm soát nội dung, thậm chí còn khó khăn hơn.
Theo nhà biên kịch Phạm Thiên Trang, một video 15 giây quá ngắn để phản ánh đầy đủ sự thật nhưng đủ dài để thuyết phục mọi người tin vào điều không có thật.
“Khác với YouTube, video trên TikTok thường không có âm thanh hiện trường. Với 15 giây hình ảnh, toàn bộ tính chất video sẽ được người xem nhìn nhận thông qua tiêu đề và mô tả. Trên bất cứ nền tảng mạng xã hội nào, để có thêm lượt xem, người đăng thường giựt những tiêu đề dẫn dắt câu chuyện đến hướng gây tranh cãi. Đây là rủi ro lớn nhất với các video mà TikTok sẽ phải đối mặt trong tương lai”, ông Tuấn Kiệt, Giám đốc Sản xuất từ công ty Kites Entertainment cho biết.
Tuy vậy, mong muốn này từ gia đình chú rể dường như là vô vọng khi họ không thể kiểm soát được những trang nào đã đăng tải. Mặc dù đoạn video sai sự thật đã được xóa khỏi TikTok nhưng nó vẫn tồn tại trên nhiều nền tảng khác do người dùng đăng lại. Điển hình là Beat** với lượng tương tác lớn nhưng sau gần một ngày gia đình đôi vợ chồng yêu cầu đính chính, bài viết vẫn tồn tại.
“Cách giải quyết cho nạn nhân là họ yêu cầu người đăng đính chính, xóa bỏ nội dung vi phạm. Tuy vậy, TikTok nhận được sự cộng hưởng từ nhiều nền tảng khác. Việc người dùng tải xuống video rồi thêu dệt trên các nền tảng như YouTube, Facebook là không thể kiểm soát được và không có cách minh oan nào cho người bị hại”, ông Kiệt nói thêm.
Theo chính sách nội dung của TikTok, nền tảng này không cho phép thông tin sai lệch có thể gây hại cho cộng đồng hoặc công chúng.
“Chúng tôi xóa thông tin sai lệch có thể gây hại cho sức khỏe của một cá nhân hoặc an toàn công cộng rộng hơn”, trích chính sách nội dung TikTok.
Tuy vậy, trong quy định của TikTok, những thông tin sai lệch như trường hợp của gia đình chú rể ở Bình Phước không được nêu rõ ràng.
“Nếu không quy định cụ thể thế nào là tin giả hay tạo ra công cụ để người dùng báo cáo thì trong tương lai, những đoạn video siêu ngắn này sẽ khiến thêm nhiều người khốn đốn hơn nữa”, ông Kiệt kết luận.
Tiktok Việt Nam hiện chưa đưa ra bình luận về vụ việc.