|
Chất liệu điện thoại ngày càng cao cấp. Ảnh: Mashable. |
Thay đổi để tồn tại
Năm 2010, HTC là hãng đầu tiên sản xuất điện thoại vỏ nhôm nguyên khối với chiếc Legend. Sau đó, vào giai đoạn 2013 - 2014, chỉ có HTC và một số hãng sản xuất khác của Trung Quốc thực sự quan tâm tới việc thay đổi chất liệu điện thoại.
Samsung giai đoạn này vẫn sử dụng vỏ nhựa cho dòng Galaxy S và Galaxy Note. Bước ngoặt của Samsung đến từ việc phát hành Galaxy S5 (2014). Bị chỉ trích nhiều về thiết kế hoàn toàn bằng nhựa, Galaxy S5 có doanh số bán ra rất thấp. Để khắc phục, Samsung tiến hành dự án Zero, kết quả là sự ra đời Galaxy S6 vỏ nhôm và mặt kính vào năm 2015.
Sau iPhone 4 và 4S, Apple không sử dụng mặt lưng kính cho những model 5S, 6, 6S, 7 và đến tận iPhone 8 Plus mới sử dụng lại chất liệu này.
Ngược lại, Samsung ra mắt thiết kế vỏ điện thoại bằng kính và nhôm xen kẽ trong Galaxy S6, S6 Edge, S7... Thiết kế này hiện là xu hướng được các hãng điện thoại hàng đầu quan tâm nhất.
Mời độc giả xem thêm Video: 5 ý tưởng tuyệt vời cho điện thoại thông minh của bạn (Nguồn: 5-Minute Crafts):
Nguồn video: 5-Minute Crafts.
Không còn đơn giản là loại bỏ nhựa, các thay đổi trong thiết kế báo trước cái chết cho những mẫu điện thoại vỏ nhôm. Ví dụ như Samsung vẫn sử dụng khung nhôm cho Galaxy S8, S8+ và Note 8 nhưng phần vỏ được đánh thật bóng để trông giống kính.
Apple bắt đầu bỏ dần thiết kế vỏ nhôm với iPhone 7 (phiên bản Jet Black có bề mặt nhẵn giống như bằng kính). iPhone 8 và iPhone X đã chuyển qua thiết kế xen kẽ nhôm, kính. HTC, hãng tiên phong trong thiết kế vỏ nguyên khối, cho mắt phiên bản HTC U11 sử dụng kính 3D kết hợp khung nhôm.
|
Thiết kế mặt lưng sử dụng kính đổi màu và khung nhôm trên HTC U11. Ảnh: HTC |
Tại sao các hãng chuyển từ nhôm qua kính?
Có 3 lý do chính cho việc các hãng điện thoại đồng loạt chuyển qua sử dụng kính. Một là do kính tạo vẻ ngoài sang trọng hơn. Hai là việc thiết kế các mạch vô tuyến qua kính dễ dàng hơn so với kim loại. Ba là do Samsung đã thành công với thiết kế này nên các hãng khác bắt chước theo.
Việc chuyển đổi này là tốt hay xấu tùy thuộc quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường, các mẫu điện thoại sử dụng nhôm và kính như Galaxy S8, Note 8 và iPhone X có doanh số tăng cao, chứng tỏ thiết kế này rất được ưa chuộng.
Tất nhiên, vẫn có một số lý do cho thấy lợi ích của thiết kế vỏ kim loại hoàn toàn so với việc kết hợp kính.
Giá điện thoại tầm trung vỏ nhôm nguyên khối rẻ hơn. Có thể kể đến Xiaomi Mi A1 thiết kế gần giống OnePlus 5 (thậm chí có thể bị lẫn với iPhone) có mức giá chỉ bằng phân nửa.
Vỏ kim loại thoát nhiệt hơn, cho hiệu năng tốt hơn. Xét tổng thể, điện thoại vỏ kim loại có hiệu suất hoạt động cao hơn. Nguyên do là lớp kính có tính chất cách nhiệt. Chúng sẽ giữ nhiệt lại bên trong điện thoại, buộc bộ vi xử lý tự điều tiết.
Ngược lại, vỏ kim loại thoát nhiệt tốt, giúp điện thoại hoạt động với hiệu suất cao trong thời gian dài. OnePlus 3 đã vượt qua các đối thủ sử dụng kính của mình trong phần kiểm tra hiệu suất theo thời gian của XDA (tất cả chung vi xử lý).
Độ chống trầy của kính cường lực Gorila chưa đủ tốt. Độ chống trầy của kính Gorila được cải thiện qua từng thế hệ. Tuy nhiên, trong khi chúng bảo vệ khá tốt mặt trước điện thoại thì phần kính lưng lại không tốt cho lắm.
Phần lớn các thay đổi trong Gorila Glass 4 và 5 chỉ xoay quanh vấn đề giảm sốc thay vì chống trầy. Trong khi đó, vỏ kim loại có khả năng chống trầy tốt hơn rất nhiều, miễn chúng được sản xuất bằng nguyên liệu chất lượng.
Hiện những mẫu điện thoại sử dụng chất liệu này có kính sau khá tệ về khoản chống bám vân tay. Người dùng phải lau chùi thường xuyên nếu muốn thiết bị luôn sáng bóng. Ngược lại, vỏ kim loại có khả năng chống lưu dấu vân tay rất tốt.
|
Mặt lưng bằng kính dễ bám vân tay hơn. Ảnh: BRG |
Vỏ kính dễ vỡ. Bền là ưu điểm lớn nhất của điện thoại vỏ kim loại. Vỏ kính có thể giảm chứ không thể loại bỏ được nguy cơ rơi vỡ. Ngược lại, vỏ kim loại, ví dụ nhôm, sẽ không bị vỡ, trường hợp tệ nhất cũng chỉ là vài vết nứt. Galaxy S8, LG G6 và HTC U11 cũng được đánh giá là khá mỏng manh. Kết quả kiểm tra độ bền với va chạm của chúng khá thấp.
Ở một số nước như Ấn Độ, việc sửa chữa điện thoại có thể mất tới cả tháng với chi phí rất cao. Trong nhiều trường hợp, mua một chiếc điện thoại tầm trung có khi rẻ hơn việc phục hồi vết rạn trên vỏ kính.
Sử dụng ốp lưng không giải quyết hết các vấn đề. Nhiều ý kiến cho rằng, mọi rắc rối của vỏ kính có thể giải quyết bằng ốp lưng. Tuy nhiên, ốp lưng chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết triệt để vấn đề.
Vỏ kính là ví dụ điển hình cho việc lựa chọn sản phẩm theo thiết kế thay vì chức năng. Tuy nhiên, vẻ ngoài sang trọng đi kèm đòi hỏi cao về bảo quản. So với những mẫu điện thoại màn hình vô cực, làm bằng kính mỏng manh trong tương lai, thiết kế vỏ kim loại nguyên khối là một lựa chọn khá tốt cho người không dư giả về tài chính, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam.