Bỏ mức lương ngàn đô, chọn về gắn bó với nông dân
GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 tại xã Châu Phú, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang trong một gia đình nghèo có 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, cậu thiếu niên Võ Tòng Xuân phải lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em. Ông từng đi bán báo dạo dọc các bến xe đò, dạy kèm cho học sinh luyện thi. Trong ông, không ngừng nuôi khát vọng về học tập.
|
GS.TS Võ Tòng Xuân - "ông thần" của nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nhân dân. |
“Tôi yêu nghề nông từ nhỏ. Thuở học trung học, mỗi khi ra xem dì dượng làm ruộng, tôi thấy cuộc đời người nông dân rất cực khổ. Tôi muốn học thật tốt để có thể làm được gì cho chính quê hương mình”, GS Võ Tòng Xuân từng tâm sự.
Năm 1961, ông được học bổng du học tại trường Đại học Nông nghiệp Philippines ở Los Banos và là một du học sinh xuất sắc trong học tập. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân Hóa nông và được nhận làm Nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI).
Năm 1971, nhận lời mời của Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ Nguyễn Duy Xuân, GS Võ Tòng Xuân đã quyết định trở về Việt Nam giữa lúc có một sự nghiệp trên đà thăng tiến tại Viện Lúa quốc tế (IRRI) với mức lương hàng ngàn USD mỗi tháng và môi trường làm việc tân tiến.
Bức thư của Viện Trưởng Đại học Cần Thơ là ông Nguyễn Duy Xuân gửi sang cho ông có đoạn: “Đồng bằng sông Cửu Long không có ai chuyên về lúa cả, nếu anh về làm ở đại học chắc sẽ giúp ích được nhiều hơn. Chiến tranh rồi sẽ có ngày hòa bình, cái ăn sẽ luôn luôn đi đầu, rất cần những người như anh...”.
“Lúc ấy, trên máy bay chỉ có vài người, vì người ta chủ yếu bay ra khỏi Việt Nam chứ ít ai bay về. Trong lòng tôi cũng ngổn ngang, lo vì bấy giờ thách thức lớn nhất là làm sao giúp nông dân khôi phục ruộng đồng bởi đất đai đã bị bom đạn tàn phá nặng nề. Mà muốn đẩy nông nghiệp đi lên thì phải làm sao để người dân quay lại sản xuất và phổ biến cho họ giống lúa cao sản, năng suất cao hơn", sau này, ông đã chia sẻ về thời khắc khó khăn đó.
Trở về nước, công tác tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp (thuộc Viện Đại học Cần Thơ) trong điều kiện vô cùng khó khăn, một mình ông dạy bảy môn và hướng dẫn luận văn tốt nghiệp.
Ngoài giờ lên lớp, GS Võ Tòng Xuân đã cùng với các sinh viên đằm mình trên ruộng đồng, khảo sát thổ nhưỡng, phân định các vùng đất phèn, thử nghiệm các giống lúa mới và cây trồng, hướng dẫn nông dân trồng lúa cao sản – High-Yielding Variety, còn được gọi là “lúa thần nông".
Năm 1973, trước dịch bệnh rầy nâu hoành hành, ông xác định được giống IR26, IR30 có khả năng kháng rầy nâu, rồi cho nhân rộng. Giống lúa này còn có năng suất cao gấp 2-3 lần lúa mùa.
Cuối năm 1974, ông sang Nhật Bản bảo vệ luận án tiến sĩ. Sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975, ông mang những kiến thức đã học ở nước ngoài về phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Cứu tinh của nhà nông với cuộc cách mạng IR36
Năm 1976, mới đánh dấu bước ngoặt lớn của GS Võ Tòng Xuân trong hành trình của mình. Khi ấy, nông dân đồng bằng sông Cửu Long khốn đốn bởi nạn rầy nâu. Các giống lúa cao sản đương thời như TN73-2, IR26... bị hư hỏng hàng loạt bởi rầy nâu Biotyp-2. Nhiều nơi, nông dân thậm chí phải bán cả đồ đạc, dụng cụ trong nhà để "cứu lúa".
|
GS.TS Võ Tòng Xuân - người trọn đời gắn bó với nhà nông. Ảnh: Huỳnh Xây/Dân Việt. |
Trước tình thế nguy cấp đó, GS Xuân tìm cách liên hệ với Viện IRRI để tìm sự trợ giúp. Ông được TS Gurdev Khush (Viện IRRI) gửi 5g hạt giống lúa IR36 qua đường bưu điện.
Để cứu hàng ngàn hộ nông dân từ vài hạt giống ít ỏi, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, cách duy nhất là phải tìm ra cách nhân giống nhanh nhất có thể. Nghĩ là làm, ngay lập tức ông bắt tay vào thử nghiệm các phương pháp cấy lúa để làm sao có hiệu quả tốt nhất. 7 tháng sau, không phụ sự nỗ lực của ông và các cộng sự, từ 5 gr lúa ban đầu đã nhân lên được 2.000 kg lúa giống.
Giữa năm 1978, ông đã có đề xuất với Trường ĐH Cần Thơ và trường này đã làm một việc chưa từng có, đó là đóng cửa trường 2 tháng để sinh viên ra đồng cùng nông dân sản xuất, nhân giống lúa IR36, học thực hành ngay trên đồng ruộng.
Hơn 2.000 sinh viên với 3 phương pháp cơ bản, gồm: Sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy và kỹ thuật cấy lúa 1 tép/bụi. Mới đầu, bà con nông dân còn ngần ngại vì trái với cách làm truyền thống, nhưng khi biết người đứng sau là GS.TS Võ Tòng Xuân đã tin tưởng làm theo. Một thời gian sau, cả cánh đồng miền Tây đã phủ kín lúa cao sản IR36, sạch bóng rầy nâu. Dần dần, lúa cao sản 2 vụ/năm, năng suất ít nhất 9 - 10 tấn/ha đã thay thế gần như hoàn toàn lúa mùa 2 - 3 tấn/ha, trồng một vụ/năm.
Đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu ha, Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn.
Ngoài IR36, IR64 đã được trồng rộng rãi trên 10 triệu ha trong vòng hai thập kỷ kể từ khi được đưa ra thị trường, tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới.
Đến năm 2018, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia và là giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới Châu Á. Điều này chứng minh tính ưu việt và khả năng thích nghi đặc biệt của chúng.
Một nhà giáo dục tâm huyết, đại biểu Quốc hội trách nhiệm
Không chỉ là nhà khoa học dành cả cuộc đời mình cùng đồng ruộng mà GS.TS Võ Tòng Xuân còn là một nhà giáo dục đầy tâm huyết. Ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, sáng lập và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học An Giang, là Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ; là đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV.
|
Giáo sư Võ Tòng Xuân được VinFuture vinh danh. Ảnh: VinFuture. |
GS Võ Tòng Xuân là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế. Ông truyền cho sinh viên ngọn lửa nhiệt huyết của tinh thân học tập suốt đời.
“Đối với các bạn thanh niên, sinh viên tôi có một lời khuyên hãy quyết tâm học và học thật. Có thể mình có nhà lầu, xe hơi, đất lớn nhưng mấy thứ đó có thể nó tan biến mất, nhưng khi chúng ta học chín chắn, học thật kiến thức vẫn lưu lại trong đầu mình là gia tài quý nhất mà các bạn phải trân trọng”, GS.TS Võ Tòng Xuân tâm sự.
Ở vai trò đại biểu Quốc hội, ông có nhiều đóng góp lớn trong xây dựng chính sách, như thúc đẩy các cơ chế khoán, thay cho cơ chế bao cấp, hợp tác hóa nông nghiệp. Đặc biệt, năm 1989, Quốc hội họp đưa vấn đề xuất khẩu lúa gạo ra bàn. Khi đó, GS Xuân là đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ mở cửa xuất khẩu, khi miền Tây có thể làm chủ nguồn lúa gạo. Tới tháng 11.1989, nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo. Chỉ trong 2 tháng cuối năm ấy, đã có 1,7 triệu tấn gạo xuất khẩu, mở ra chương mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Năm 2023, GS.TS.Võ Tòng Xuân là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng đặc biệt VinFuture 2023 trong niềm xúc động của người dân miền Tây.
Ngày 19/8, trái tim GS.TS Võ Tòng Xuân ngừng đập trong niềm tiếc thương vô hạn với nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò. Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam bày tỏ sự đau buồn. Ông cho biết, cách đây 1 tháng, ông có gặp GS.TS Võ Tòng Xuân tại một hội thảo giáo dục đại học tại Phú Yên. Lúc đó, GS.TS đã ngồi xe lăn, nhưng vẫn tham gia hội thảo, đó là một hình ảnh rất xúc động. “GS.TS Võ Tòng Xuân là một trong những nhà khoa học đã có đóng góp lớn không chỉ cho đất nước, mà còn cả thế giới, với giải thưởng VinFuture. GS Xuân đã có công lớn đưa nhiều giống lúa mới về Việt Nam, trong đó, đóng góp lớn nhất là đối với giống lúa IR36 vừa có khả năng kháng bệnh lại có chất lượng tốt, đã giúp thay đổi cuộc sống của bà con nông dân”, GS.VS Trần Đình Long đánh giá.