|
Yakhchāl vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở Yazd, Iran. |
Theo Vintage News, trên sa mạc khô cằn của đế quốc Ba Tư cổ đại, các kỹ sư đã phát triển công nghệ bền vững có thể lưu trữ cả băng đá suốt mùa hè. "Tủ lạnh" này xuất hiện từ những năm 400 trước Công nguyên, rất xa trước khi con người phát minh ra điện.
Yakhchāl là thiết bị làm mát cổ có hình nón cao và rỗng ruột. Khoảng không bên trong được dùng để lưu giữ băng đá, thực phẩm và nhiều đồ dễ hỏng khác. Phương pháp giữ lạnh hiệu quả giữa nền nhiệt độ cực cao tại sa mạc này tưởng chừng như phức tạp nhưng lại hết sức đơn giản, ngay cả những gia đình nghèo khó nhất cũng có thể sử dụng được.
|
Khoảng trống bên trong yakhchāl có sức chứa tới 5.000 m3. |
Băng đá được người Ba Tư cổ đại thu thập từ các dãy núi gần đó trong suốt mùa đông và cất giữ trong yakhchāl. Phần lớn những chiếc "tủ lạnh" sơ khai này có kênh nước ngầm riêng bên dưới để dẫn nước từ sông suối lân cận.
Yakhchāl là kiến trúc vòm làm từ bùn cao vượt hẳn lên so với mặt đất khoảng 18 mét. Bên trong công trình là một khoảng trống có sức chứa lên tới 5.000 m3 và tường dày ít nhất hai mét. Những bức tường xây từ loại vữa có tên “sarooj”. Đây là hỗn hợp đặc biệt của cát, đất sét, lòng trắng trứng, chanh, lông dê và tro. Toàn bộ các thành phần được trộn với nhau theo một tỷ lệ nhất định để tạo ra loại vữa có tác dụng cách nhiệt và còn có khả năng chống nước hiệu quả.
|
Yakhchāl gần thành phố Kerman, Iran. |
Công trình ngoài trời này có hệ thống thông gió riêng, nhằm duy trì nhiệt độ đóng băng cho không gian bên trong vào mùa hè. Một số yakhchāl được xây từ hàng trăm năm trước hiện vẫn còn đứng vững.
Ngày nay, ở Iran, Afghanistan và Tajikistan, thuật ngữ "yakhchāl” vẫn được sử dụng để chỉ những chiếc tủ lạnh hiện đại trong gia đình.
Mời quý độc giả xem video những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ (nguồn Youtube):