TS Nguyễn Văn Sáng lý giải về “rắn lạ” ở Thanh Hóa

Google News

"Tôi đã nghiên cứu về rắn 40 năm, bắt và đánh chết khá nhiều rắn ở những nơi khác nhau như trong nhà, chùa..."

- Theo TS Nguyễn Văn Sáng (Viện sinh thái tài nguyên sinh vật), con rắn mà em Nguyễn Trọng Hiển (14 tuổi, xã Thiệu Khánh, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) bắt được là rắn sọc đuôi khoang, thuộc họ rắn nước.
TS Nguyễn Văn Sáng
TS Nguyễn Văn Sáng

Hiền, không độc
 
Vừa xem bức ảnh đăng trên Kienthuc.net.vn, TS Nguyễn Văn Sáng đã cho rằng đây hoàn toàn không phải rắn lạ. Rắn đuôi khoang đã được nghiên cứu và tìm hiểu đặc tính khá kỹ. Các nhà động vật còn chụp ảnh và đăng trong sách động vật học.
 
Loài rắn này có đặc tính chính là không độc và gần như không cắn người. Có nhiều người khi vào hang thấy rắn nằm khoanh tròn, chỉ cần đưa tay là bắt được.
 
Rắn sọc đuôi khoang sống chủ yếu ở vùng núi đá, nhất là hang có dơi sinh sống. Bởi thức ăn chính của rắn là loài dơi và một số ít ếch nhái. Khi thấy dơi nằm treo thân trên vách đá, rắn sẽ luồn lách vào và ngoạm.
 
Theo thống kê của TS Nguyễn Văn Sáng, rắn nước có 131 loài. Rắn đuôi, đầu và lưỡi đỏ nằm trong số đó. Các tính chất cơ thể đỏ của loài rắn này được di truyền từ nhiều đời. Đến nay chưa có ai có thể giải thích được.
 
Hiện người ta đã thấy rắn đuôi khoang ở nhiều nơi như Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tam Đảo, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
 
“Thần” rắn lên bàn thờ... vì thức ăn
 
Con rắn mà em Nguyễn Trọng Hiển bắt được
Con rắn mà em Nguyễn Trọng Hiển bắt được
 
Trả lời về việc rắn “lạ” có đầu, lưỡi và đuôi đỏ thường sống phía sau chùa Vồm khiến nhiều người dân cho rằng việc bắt rắn có thể bị điềm báo xấu, TS Nguyễn Văn Sáng khẳng định đó chỉ là tin đồn do những người hiếu kỳ tạo nên.
 
Một trong những lý do rắn sống gần chùa, thậm chí trong chùa là do trong chùa thường có dơi và côn trùng làm thức ăn. Chùa càng vắng thì nguồn thức ăn càng nhiều cũng như yên tĩnh nên rắn càng hay tới.
 
“Tôi đã nghiên cứu về rắn 40 năm, bắt và đánh chết khá nhiều rắn ở những nơi khác nhau như trong nhà, chùa... Nếu có điềm báo hay xúi quẩy chắc tôi là người bị nhiều nhất. Nhưng hoàn toàn không có điều đó”, TS Sáng nhấn mạnh. 
 
Hay câu chuyện cho rằng “thần rắn” vào bếp, lên bàn thờ khiến người dân hoang mang cũng chỉ là bản năng tìm thức ăn của loài rắn. Ví dụ, bàn thờ thường có thức ăn hoặc ngày xưa bàn thờ thường được đặt trên sập. Phía dưới sập là nơi đựng đồ ăn hoặc lúa, gạo... Tương tự bếp cũng chứa lương thực. Cả hai nơi này đều là nơi chuột hay lui tới. Vì thế, rắn vào nhà để kiếm thức ăn và bắt chuột. Trong các loài rắn hay vào nhà có rắn sọc dưa được vị chuyên gia này thấy nhiều nhất.

Thu Hiền

Bình luận(1)

Minh Hiền

Chu Lương

Đây không phải là rắn lạ, mà là rắn Ghè Đá, hay theo một số nơi gọi là rắn Đầu Đỏ. Loài này rất hiền lành và không có nọc độc, thường sinh sống ở khu vực các tỉnh miền Trung, thuộc vào những loài quý hiếm cần được bảo tồn. Những năm 2000 trở về trước rất nhiều, nhưng hiện nay do tình hình săn bắt trái phép nên số lượng suy giảm nhanh. Loài rắn này có thể đạt trọng lượng tối đa từ 10 -20 kg, với chiều dài từ 1,5 - 3m.