Dùng SIM không chính chủ để truyền bá tà đạo
Phản ánh với PV, chị Thuỷ (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vài ngày gần đây, chị liên tục nhận được nhiều cuộc gọi từ một số máy lạ. Phía đầu dây tự nhận là thành viên của “Hội thánh Đức chúa trời mẹ" và rao giảng về kinh thánh, ngày khải huyền khiến chị hết sức hoang mang.
|
Hội thánh "Đức chúa trời mẹ" là tổ chức tôn giáo hoạt động trái pháp luật. |
“Ban đầu người này gọi điện lân la làm quen với tôi và cho biết mình là một
giáo sĩ truyền giáo. Do là người có đạo, tôi không vội dập máy ngay mà thử lắng nghe xem người đàn ông này nói gì. Tuy nhiên khác với tôn giáo của tôi, người này liên tục truyền bá những tư tưởng dị giáo về ngày tận thế khiến tôi rất bức xúc và dập máy". chị Thuỷ chia sẻ.
Theo người phụ nữ này, kẻ truyền đạo liên tục gọi điện thuyết phục rằng con người không phải do cha mẹ sinh ra. “Hắn khuyên tôi nên đập bỏ bát hương, bàn thờ và tìm đến với chúa trời mẹ”, chị Thuỷ bức xúc cho biết.
Theo chị Thuỷ, do quá phiền phức và đã biết sự thật về tổ chức tà giáo này, chị đã chặn cuộc gọi và không tin vào sự thuyết phục của kẻ lạ. Mặc dù vậy, người đàn ông này như kẻ đi săn đánh hơi thấy con mồi, ông ta liên tục tìm cách tiếp cận chị trong nhiều ngày, cứ khoá số này lại chuyển sang gọi bằng số khác, chị Thuỷ chia sẻ.
Liên hệ với một số cơ quan chức năng, chị Thuỷ cho biết vụ việc của chị đã được ghi nhận nhưng khó giải quyết tận gốc do thiếu thông tin chính xác về kẻ truyền giáo. Nguyên nhân là bởi kẻ xấu đã sử dụng SIM không chính chủ nên rất khó lần ra dấu vết. Tham khảo ý kiến luật sư, chị Thuỷ cho rằng nếu biết rõ thông tin về kẻ truyền đạo, chị có thể khởi kiện chủ thuê bao này về hành vi quấy rối.
Thông tin chủ SIM chính xác giúp bảo vệ quyền lợi người dân
Trao đổi với đại diện Cục Viễn thông, đơn vị này cho biết SIM rác, SIM kích hoạt sẵn đã bị kẻ xấu lợi dụng như một công cụ để truyền bá các thông tin sai lệch. Đây có thể là tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo, mời chào mua bán bất động sản, hay thậm chí là truyền bá tà đạo như trường hợp kể trên.
Quy định đăng ký lại thông tin thuê bao giúp xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, tin nhắn rác. Trong ảnh là một điểm giao dịch được nhà mạng triển khai tại vùng quê nhằm thuận lợi cho việc đăng ký của người dân.
Trong vài năm trở lại đây, Bộ TT&TT đã rất mạnh tay đối với việc xử lý SIM rác, tin nhắn rác. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, các nhà mạng tại Việt Nam đã chặn tổng cộng 31 triệu tin nhắn rác. Không chỉ vậy, Bộ TT&TT cũng đã xử lý nghiêm và yêu cầu nhà mạng phải phối hợp để giải quyết triệt để tình trạng này.
Phần lớn tin nhắn bị phản ánh là rác được gửi từ các SIM rác kích hoạt sẵn, thiếu thông tin chủ thuê bao. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, các đối tượng đã chuyển sang dùng cả SIM chính chủ để phát tán các nội dung khuyến mại, quảng cáo, truyền bá tư tưởng cực đoan…
Những chiếc SIM chính chủ này được đăng ký bởi CMND thuê, mượn với mức giá vô cùng rẻ mạt. Bằng cách lách luật này, dù là SIM chính chủ, được đăng ký hoàn toàn nhưng chủ nhân thực sự của chúng là ai thì chẳng thể nào biết được.
Theo tâm lý chung, người dùng mua SIM điện thoại để liên lạc thường muốn tiện lợi, không phải kê khai thông tin cá nhân. Chính vì vậy, người dùng thường không chú trọng đến các thông tin đăng ký chủ thuê bao. Điều này vô tình gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý. Đây cũng là kẽ hở mà các đối tượng xấu thường lợi dụng để qua mặt lực lượng chức năng
Vô tình thành tội phạm vì CMND đứng tên số máy lạ
Ngày 24/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.
Một nội dung quan trọng của Nghị định 49 là tiến hành thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, trong đó có quy định về việc đăng ký thuê bao chính chủ. Sau 12 tháng kể từ ngày Nghị định 49 có hiệu lực, nhà mạng phải đảm bảo toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu đúng theo quy định.
Theo đại diện Cục Viễn thông, đây là một cơ sở quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng không rõ thông tin người chủ thuê bao. Một khi mỗi số thuê bao di động được gắn trách nhiệm với một cá nhân, các tin nhắn và cuộc gọi di động sẽ không còn có thể làm phiền, quấy rối người dân theo cách nặc danh.
“Kẻ xấu cũng sẽ không còn có thể lợi dụng SIM rác để tống tiền, đe doạ hoặc bôi xấu, phỉ báng người khác. Đó là bởi cơ quan quản lý sẽ dễ dàng tìm ra thủ phạm là ai. Đây cũng là một hình thức răn đe kẻ xấu sử dụng các dịch vụ viễn thông nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật", đại diện Cục Viễn thông chia sẻ.
Trước đó, đã xuất hiện không ít trường hợp người dân đi bổ sung ảnh theo Nghị định 49 và phát hiện ra số CMND của mình đang được đăng ký cho các số máy lạ.
Trong trường hợp chủ nhân thực sự của những đầu số lạ trên thực hiện hành vi phạm pháp, người đứng tên đăng ký sẽ vô tình phải lĩnh hậu quả từ hành động mà mình không hề thực hiện. Do vậy, việc người dân chủ động tìm đến nhà mạng để kiểm tra, đăng ký lại thông tin thuê bao cũng là cách mà người dân có thể thực hiện nhằm bảo vệ chính mình.