Theo Daily Star, các nhà khoa học nhận thấy có nước và nhiệt độ tương đối phù hợp ở hành tinh xa xôi trên. Nó được coi là “siêu Trái đất” vì có kích thước lớn gấp đôi và nặng gấp 8 lần Trái đất. Hành tinh này lần đầu được phát hiện năm 2015 bởi tàu vũ trụ Kepler của NASA.
|
Hành tinh K2-18b cách Trái đất 110 năm ánh sáng. |
“Đây là hành tinh duy nhất ở ngoài Hệ Mặt trời mà chúng ta nhận thấy có môi trường khá phù hợp cho sự sống, bao gồm cả nước và nhiệt độ”, tác giả nghiên cứu Angelos Tsiaras nói.
“Dĩ nhiên K2-18b không giống Trái đất hoàn toàn vì nó nặng hơn nhiều, có các thành phần khác nhau trong khí quyển. Nó cũng có quỹ đạo quay quanh ngôi sao hoàn toàn khác biệt”, Tsiaras nói.
“Hành trình tìm kiếm hành tinh phù hợp với sự sống là rất hứa hẹn, nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng Trái đất vẫn là ngôi nhà duy nhất và câu hỏi đặt ra là chúng ta liệu có thể du hành đến các hành tinh khác”.
Các thiết bị trước đây chỉ giúp con người xác định được một số thông tin cơ bản như khoảng cách, trọng lượng và nhiệt độ của hành tinh. Những dữ liệu mới phân tích cho thấy có dấu hiệu của phân tử hơi nước.
Các nhà thiên văn học không thể quan sát K2-18b một cách trực tiếp vì khoảng cách xa, nhưng có thể đưa ra đánh giá thông qua ánh sáng chiếu qua bầu khí quyển của hành tinh này. K2-18b cũng có Mặt trời riêng gọi là K2-18.
Mặc dù có các điều kiện rất phù hợp để hình thành sự sống nhưng các nhà khoa học chưa có thiết bị đủ tinh vi để xác minh dấu vết sự sống ở hành tinh xa như vậy.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Astronomy. “Chúng tôi không rõ có lượng nước lớn như thế nào ở hành tinh đó. Có thể rất ít, nhưng nước cũng có thể chiếm tới 50%. Điều quan trọng là hành tinh đó thực sự có nhiệt độ phù hợp và có nước”.