CNN đưa tin, kính thiên văn lớn nhất thế giới tại Trung Quốc, với diện tích bằng 30 sân bóng đá, sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tuần này.
Với đường kính lên đến 500 m, kính thiên văn này sẽ có thể phát hiện các tín hiệu vô tuyến và thậm chí cả dấu hiệu về sự sống ở những hành tinh cách xa trái đất.
Nằm ở vùng núi đá vôi ở tỉnh Quý Châu, miền nam Trung Quốc, kính thiên văn có tên viết tắt là FAST (Five-hundred-meter Aperture Spherical Telescope, tạm dịch: kính thiên văn hình cầu khẩu độ 500 m). Đồng thời, giới khoa học Trung Quốc đặt cho FAST biệt danh "Thiên nhãn".
Ngày 25/9, FAST sẽ có "first light" (tia sáng đầu tiên), một thuật ngữ thiên văn học dùng để chỉ khi một kính thiên văn mở mắt và chụp những bức ảnh đầu tiên về vũ trụ.
Tầm quan sát của FAST được cho là rộng gấp 2 lần so với kính thiên văn Arecibo ở Puerto Rico vốn giữ kỷ lục kính thiên văn đơn khẩu lớn nhất thế giới trong 53 năm qua.
|
Kính thiên văn lớn nhất thế giới ở Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Dự án "Thiên nhãn" được Trung Quốc đầu tư 185 triệu USD, khởi công từ năm 2011. Những mảnh ghép cuối cùng trong tổng số 4.450 mảnh ghép tam giác làm nên kính thiên văn này được lắp ráp trong tháng 7 vừa qua.
Địa điểm xây dựng ở tỉnh Quý Châu được lựa chọn từ hơn 400 địa điểm mà các nhà khoa học khảo sát trong hơn 10 năm. Thung lũng hình nửa quả trứng phù hợp với kích cỡ của "Thiên nhãn", đồng thời môi trường rừng núi xung quanh tạo thành tấm chắn ngăn chặn sóng vô tuyến gây nhiễu.
Để thực hiện dự án, 9.110 người dân sống tại khu vực buộc phải chuyển đến nơi khác sinh sống. "Tôi chưa từng nghĩ tôi sẽ phải chuyển nhà để nhường chỗ cho một kính viễn vọng", bà Yang Chaolan, một người địa phương, nói với Xinhua.
Kính thiên văn FAST được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin chưa từng biết đến về nguồn gốc của vũ trụ thông qua việc xác định sự phân bổ nguyên tố hydro trên trái đất. Tuy nhiên, điều làm các nhà khoa học hào hứng nhất là "Thiên nhãn" có thể giúp phát hiện sinh vật ngoài hành tinh.
"Khả năng phát hiện nền văn minh ngoài trái đất của FAST sẽ cao hơn từ 5 đến 10 lần so với các thiết bị hiện tại bởi nó có thể nhìn thấy các hành tinh ở xa hơn và tối hơn", Peng Bo, giám đốc phòng thí nghiệm công nghệ thiên văn vô tuyến NAO, cho biết.
|
Kính thiên văn "Thiên nhãn" tọa lạc tại huyện Bình Đường (Pingtang), tỉnh Quý Châu, miền nam Trung Quốc. Đồ họa: Daily Mail |
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, kính thiên văn của Trung Quốc vẫn gặp phải những hạn chế nhất định. Chẳng hạn nó không thể mô phỏng quỹ đạo của sao chổi hay các hành tinh nhỏ.
"FAST có thể giúp giải thích về nguồn gốc sự sống hay cấu trúc vũ trụ. Tuy nhiên nó không thể đưa ra cảnh báo về những thiên thể có thể va vào Trái đất, hủy diệt loài người', Douglas Vakoch, chủ tịch METI International - một tổ chức chuyên nghiên cứu sự sống ngoài trái đất, nói với CNN.
Kính thiên văn FAST là ví dụ mới nhất về tham vọng không gian của Trung Quốc. Đẩy mạnh chương trình không gian là ưu tiên đối với Bắc Kinh và Trung Quốc khẳng định mục tiêu này mang tính chất dân sự thuần túy.
Tuần trước, Trung Quốc đưa thành công phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 vào quỹ đạo. Đây là mô hình tiền thân của trạm vũ trụ thường trực dưới sự điều khiển của con người mà Bắc Kinh muốn hoàn thành trong vòng 6 năm tới.
Hồi tháng 8, Trung Quốc phóng vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới, nhằm thiết lập đường dây thông tin mà tin tặc "không thể tấn công". Trung Quốc cũng là nước thứ ba, sau Nga (Liên Xô cũ) và Mỹ, đưa phi hành gia vào không gian.
Mời quý độc giả xem video về UFO (nguồn Youtube):