- 2/3 - 3/4 thời gian giấc ngủ của chúng ta là chìm trong trạng thái căng thẳng và liên tục để giải quyết những tình huống phức tạp trong mơ. Nếu không thu nhận và xử lý các thông tin này, con người sẽ không phát triển, thậm chí tử vong.
[links()]
Mơ để học
ThS Nguyễn Mạnh Quân, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Sức khoẻ Thể - Tâm - Trí, chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học thôi miên Việt Nam cho biết, nhiều phòng nghiên cứu về bộ não và thần kinh trên thế giới đã nghiên cứu về những khả năng, hoạt động của những tế bào, của những vùng của bộ não cũng như cơ chế của những giấc mơ cho thấy, giấc mơ là một cơ chế hoạt động của bản năng con người. Đây là cơ chế tự học và nâng cao để làm cho cả bộ não và cơ thể con người ngày một tiến hóa hơn. Trong giấc mơ, bộ não sẽ học được cách ứng xử với những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trong cuộc đời, đây là các cuộc diễn tập. Trong những trường hợp này, người ta gọi là bộ não tự học và luyện cách tự giải thoát, nó giống hệt như những vận động viên thể thao, họ đều phải luyện tập.
Theo ThS Nguyễn Mạnh Quân, chu kỳ của giấc mơ thông thường được bắt đầu ngay bằng một giấc mơ ngắn sau khi ta ngủ. Trong giấc mơ này, thông thường bộ não của chúng ta làm việc và xử lý những hình ảnh, những thông tin mà chúng ta đã từng tiếp nhận hoặc những tình huống đã xảy ra, mà chúng ta đã được trải nghiệm trong ngày. Sau đó, cứ khoảng 90 phút thì lại đến chu kỳ của giấc mơ tiếp theo. Nhưng những giấc mơ tiếp theo thì người ta có thể mơ đủ mọi thứ, thậm chí hoàn toàn không có tính logic.
|
Ảnh minh họa: IE |
Theo quy luật, lúc đầu sẽ mơ những việc xảy ra trong ngày, tức là đọc lại các thông tin trong ngày, đúc rút để đưa vào tiềm thức và kết hợp nối với những kinh nghiệm và những kiến thức sẵn có trong tiềm thức. Chính bởi vậy mà trẻ em kể từ lúc mới sinh ra cho tới năm 3 tuổi, khoảng 55% thời gian ngủ là các giấc mơ. Quá trình còn lại của giấc mơ là quá trình học của bộ não, làm cho con người luôn luôn phù hợp với sự thay đổi thường xuyên từng lúc và từng ngày của thế giới và của môi trường xung quanh. Đặc biệt, mơ là quá trình mà bản năng đẩy những kiến thức nằm sâu trong tiềm thức lên phần ý thức và cũng vì thế mà có nhiều người tự nhiên biết được cách giải quyết những vấn đề rất phức tạp sau khi nhớ lại giấc mơ.
Não làm việc căng thẳng khi mơ
Chúng ta thường nghĩ, khi ngủ là cơ thể thư giãn, não bộ ít hoạt động nhưng thực tế, theo ThS Nguyễn Mạnh Quân, nghiên cứu mới nhất của Antti Revonsuo lại cho thấy, 2/3 thời gian giấc ngủ của chúng ta là chìm trong trạng thái căng thẳng và liên tục phải xử lý những tình huống rất căng thẳng và phức tạp (trong mơ). Những tình huống này thông thường là chưa từng xảy ra trong cuộc đời thực. Nhưng các nhà nghiên cứu khác thậm chí còn khẳng định rằng không chỉ là 2/3 mà là 3/4, tất nhiên là tùy theo từng độ tuổi, tuổi càng trẻ, thời gian mơ càng nhiều. Những cơn ác mộng phần lớn chỉ xảy ra với người mới và đang trưởng thành và ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới.
GS Robert Stickgold, trường Đại học Y Harward (Boston, Mỹ) cũng khẳng định, giấc mơ là cơ chế để bộ não và bản năng của con người sắp xếp lại những thông tin mới và nối vào hệ thống những thông tin và những kinh nghiệm sẵn có trong tiềm thức. Giấc mơ được diễn ra trong trạng thái REM (Rapid Eye Movement).
Khi ngủ, bán cầu đại não bên phải và phần não quản lý cảm xúc lại hoạt động rất tích cực. Nó còn hoạt động tích cực hơn cả khi người ta thức. Đặc biệt là khu vực quản lý cảm xúc sợ hãi. Nói tóm lại, 2 phần não này sẽ làm việc cao độ khi ta ngủ và nhất là trong khi mơ. Trong giấc mơ, bộ não chúng ta lấy những kinh nghiệm sẵn có trong tiềm thức, tạo nên một hình ảnh tương tự với những tình huống trong mơ cho nó phù hợp hoặc ít nhất cũng gần giống với hình ảnh bên ngoài. Và cũng chính bởi vậy, trong giấc mơ, nhiều khi ta nhìn thấy những hình ảnh rất ngộ nghĩnh, hay đôi khi quái dị. Những hình ảnh và cảm xúc này cũng đã từng giúp nhiều họa sĩ, thậm chí nhạc sĩ, các nghệ sĩ đã sáng tác ra được những tác phẩm tuyệt tác.
Có những ký ức tồn tại rất đặc biệt, có thể xuất phát từ thời kỳ thai nhi. Những ký ức ly kỳ của thai nhi được các nhà nghiên cứu kinh nghiệm cận tử ở trẻ em tập hợp phân tích một cách khách quan và đáng tin cậy. Thì ra những tổn thương mà thai nhi phải trải qua trong bụng mẹ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm khảm người ta có khi suốt cả cuộc đời.
Một trong những thai nhi ấy là R.Liona (Hoa kỳ). Khi đã ở tuổi 40 chị kể: "Từ nhỏ tôi rất hay thấy một giấc mơ kỳ lạ lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến tận bây giờ. Giấc mơ ấy bao giờ cũng bắt đầu và kết thúc như sau: Tôi quỳ xuống, cúi gập và cố gắng một cách điên cuồng tháo gỡ một số nút thắt ở cổ. Dây thắt vừa cứng vừa trơn. Tôi cố kéo ra thì chúng thắt lại. Tôi rất cáu vừa kéo vừa bẻ. Khi tôi vật lộn như vậy thì dây chạm vào mặt. Thế rồi tôi thấy mình giống như một con rối mà các dây điều khiển đứt hết. Tôi trôi trong ánh sáng chói chang. Giấc mơ hết... Sau này tìm hiểu tôi mới biết rằng, lúc ở trong bụng mẹ tôi bị dây rốn quấn cổ suýt chết, bác sĩ kéo tôi ra bằng forcep. Tôi đã chết lâm sàng một thời gian rồi sống lại".
GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu
Trong khi đang mơ phần lớn các bộ phận khác của bộ não đã ở trạng thái ngủ, tức nghỉ, không làm việc. Tất nhiên trong đó có cả những bộ phận quản lý và điều hành những cơ chế để ta có những cử động, những cách ứng xử khi ta thức. Chính vì vậy, mà trong giấc mơ, ta tưởng là ta cử động cơ thể, nhưng trên thực tế, cơ thể của ta vẫn cứ nằm bất động, không chạy đi và không phản ứng trong cơn ác mộng, mà điều này chỉ xảy ra trong hình ảnh và cảm xúc trong bộ não (ngoại trừ cơ chế an toàn này, vì lý do nào đó mà bị loạn, thì người ta vẫn hành xử như bình thường, vẫn đi ra ngoài, vẫn làm việc... và đây là trường hợp của những người bị mộng du).
ThS Nguyễn Mạnh Quân
|
Nhật Hà