Các nhà khoa học đã khoan một lỗ xuống lớp băng dày gần 4.000m ở Nam Cực và có phát hiện bất ngờ
Tờ Express hôm 22/12 đưa tin, một nhóm các nhà khoa học Nga đã khoan một lỗ vào lớp băng dày ở Nam Cực hồi tháng 1/2015 và thu được một mẫu nước ngọt nguyên sơ chưa từng được biết đến trong hàng triệu năm.
Tuy được thực hiện cách đây 3 năm nhưng chi tiết về việc các nhà khoa học phát hiện dạng thức sống chưa từng thấy trên Trái đất dưới lớp băng Nam Cực được kênh Riddle chia sẻ mới đây.
"Khi quyết định kiểm tra bên dưới lớp băng Nam Cực, những gì các nhà khoa học thấy không chỉ khiến người bình thường ngạc nhiên mà còn khiến chính họ bất ngờ.
Bấy lâu nay, nằm dưới lớp băng dày lạnh giá ở Nam Cực là một hồ nước cực "khủng" với diện tích hơn 15.000 km vuông. Độ sâu của hồ là khoảng 1.200m.
Lớp băng dày ở Nam Cực bị khoan thủng
Một hồ nước có diện tích 15.000 km vuông được phát hiện dưới lớp băng dày của Nam Cực
Hồ nước khổng lồ được đặt tên là Vostok, theo tên trạm nghiên cứu của Nga ở Nam Cực, vì được phát hiện gần trạm nghiên cứu này", loạt video trên kênh Riddle cho hay.
Các video này còn giải thích về việc bằng cách nào các sinh vật sống được trong điều kiện khắc nghiệt nhất tại hồ, dưới lớp băng siêu lạnh.
"Hồ Vostok nằm sâu dưới lớp băng khổng lồ với độ dày gần 4.000m. Chính vì điều này, các nhà nghiên cứu không hy vọng tìm thấy dấu hiệu nhỏ nhất của sự sống, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt khi nhiệt độ ở mức âm 89 độ C. Ngoài ra, áp suất bên dưới lớp băng vô cùng lớn và ánh sáng mặt trời không bao giờ xuyên được tới hồ Vostok.
Rất ít sinh vật sống trên Trái đất có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt như vậy nhưng các nhà khoa học vẫn tìm thấy sự sống ở đây. Loại vi khuẩn được phát hiện dưới hồ Vostok khác biệt với các sinh vật giống khác vì nó tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt âm 89 độ C
Tại thời điểm đó, nó hoàn toàn không giống với mọi thứ họ đã thấy trước đó. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra một loại vi khuẩn mới, có tên là W123-10. ADN của loại vi khuẩn mới này chỉ giống 86% với các sinh vật sống khác trên Trái đất", kênh Riddle cho hay.
Phát hiện bất ngờ này không chỉ hữu ích trong việc tìm hiểu về Trái Đất mà còn giúp ích nhiều khi nghiên cứu về sao Hỏa, nơi có thể tồn tại sự sống ở dưới bề mặt tương tự như hồ Vostok ở Nam Cực.
"Lý do khiến loài vi khuẩn mới khác biệt với mọi sinh vật khác được tìm thấy là do lớp băng đá dày đã cô lập hồ Vostok với phần còn lại của thế giới trong nhiều triệu năm. Vì vậy, vi khuẩn được tìm thấy ở đây phát triển tách biệt với các sinh vật sống còn lại trên Trái đất.
Có dấu vết của khoảng 3.500 loài sinh vật sống trong hồ. Điều này đưa các nhà nghiên cứu tới một giả thuyết quan trọng. Bởi lẽ, rất có thể cũng có các hồ tương tự dưới lớp đá trên sao Hỏa và ở đó tồn tại sự sống", video trên kênh Youtube lý giải.