|
Các nhà khoa học vừa cảnh báo về sức mạnh của tiểu hành tinh “sát thủ” tiến về Trái đất (Ảnh minh họa)
|
Các chuyên gia đến từ Khoa Kỹ thuật Cơ khí của trường Đại học Johns Hopkins ở Maryland nước Mỹ vừa công bố một nghiên cứu. Theo đó, việc sử dụng vũ khí hạt nhân để phá hủy tiểu hành tinh tiến tới Trái đất có thể là chưa đủ để ngăn nó.
Mặc dù vụ va chạm đầu tiên có thể khiến tiểu hành tinh vỡ thành nhiều mảnh, các mảnh này sẽ dần quay trở lại với nhau.
Tiến sĩ Charles El Mir cho biết nghiên cứu do NASA tài trợ của họ có một số kết quả bất ngờ.
Ông nói: “Câu hỏi của chúng tôi là cần bao nhiêu năng lượng để thực sự phá hủy một tiểu hành tinh và phá vỡ nó thành từng mảnh?
“Chúng tôi từng tin rằng vật thể càng lớn thì càng dễ vỡ. Tuy nhiên, phát hiện của chúng tôi cho thấy các tiểu hành tinh mạnh hơn chúng ta nghĩ và cần nhiều năng lượng hơn để hoàn toàn bị phá vỡ”.Phát hiện này đi ngược lại với ý kiến phổ biến rằng vũ khí hạt nhân có thể phá vỡ các tiểu hành tinh.
Tiếp tục nói về nghiên cứu, Tiến sĩ El Mir thêm: “Trong giai đoạn đầu tiên, sau khi tiểu hành tinh bị tấn công, hàng triệu vết nứt hình thành, nhiều phần của tiểu hành tinh sẽ tan chảy như cát và một cái hố được tạo ra.
“Tuy nhiên, giai đoạn hai cho thấy điều bất ngờ: lõi của tiểu hành tinh vẫn nguyên vẹn và lực hấp dẫn của nó kéo hầu hết các mảnh vỡ về với nhau thay vì tỏa ra không gian.
“Mô hình mới cho thấy toàn bộ tiểu hành tinh không bị phá hủy bởi tác động, không giống như những gì chúng ta nghĩ trước đây”.
Nghiên cứu cho thấy lõi của tiểu hành tinh vẫn giữ nguyên sức mạnh sau vụ nổ hạt nhân. Và điều này có nghĩa là cần nhiều năng lượng hơn để tiêu diệt chúng.
Khám phá này có thể là mấu chốt cho tương lai của loài người vì một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt đã xảy ra khoảng 66 triệu năm trước khi một tiểu hành tinh đâm vào Trái đất và giết chết khủng long.
Tiểu hành tinh đó có đường kính 14,5 km, đâm vào Trái đất với năng lượng tương đương vài triệu vũ khí hạt nhân nổ cùng lúc.