"Cuộc đời sao lắm éo le. Nhân sâm thì ít rễ tre thì nhiều." Và nếu xét trên thị trường smartphone ở xứ sở "nhân sâm" Hàn Quốc, thì có lẽ các thiết bị của LG đang là hãng công nghệ phải gặm nhiều "rễ tre" hơn cả.
Ví dụ như nhắc tới Samsung, người dùng sẽ nghĩ ngay tới "vũ trụ" Galaxy, những chiếc Note với bút S Pen tiện dụng, smartphone gập giá nghìn USD. Còn LG hiện tại, rất khó để gọi ra được một đại diện xứng tầm. Một phần bởi hệ thống đặt tên sản phẩm trải dài từ A tới X mà không có một điểm nhấn đặc biệt. Tại thời điểm nào đó, bạn có thể nghe thấy những lời bàn tán về một dòng V nào đó của LG, nhưng một thời gian sau lại là G, là K.
Và nhớ tới LG, người am hiểu về công nghệ lại ngay lập tức liên tưởng tới bootloop, lỗi hệ thống đặc trưng trên một loạt dòng smartphone được LG giới thiệu từ năm 2015 đến 2016. Lỗi phần cứng này khiến các thiết bị hoạt động không ổn định hoặc bị kẹt trong một vòng lặp khởi động lại bất tận.
Đây thực sự là một nỗi oan... Thị Mầu. Bởi trên thực tế, LG sản xuất smartphone dẫn đầu trong rất nhiều xu thế, từ thiết kế cho tới tính năng sản phẩm. Chỉ có một vấn đề, đó là không một ai biết và nhớ đến.
Bởi chẳng phải ngẫu nhiên, LG vẫn là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới. Nhưng vài năm gần đây, tình hình kinh doanh đã trở nên khó khăn hơn, thị phần liên tiếp bị suy giảm. Không thể trách LG thiếu cố gắng, bởi giống như học tập, chăm chỉ chưa chắc đã đạt được điểm cao.
Ở một góc nhìn "vị tha", hãng công nghệ Hàn Quốc này phải nói là một trong những "học sinh gương mẫu", liên tục lao vào thử nghiệm những tính năng và thiết kế mới mẻ, không ngại khổ ngại khó tìm kiếm sự đổi mới và sáng tạo, vật lộn để có thể tạo nên những trào lưu mới. Rất nhiều lần, LG đã đi trước các đối thủ. Chỉ tiếc rằng, kết quả cuối cùng chỉ là luôn bị vượt mặt và quên lãng.
|
Camera selfie kép với một ống kính góc siêu rộng trên LG V10. |
Đầu tiên, hãy nói về hệ thống camera siêu rộng. Ngày nay, gần như tất cả các smartphone tầm trung tới cao cấp đều có một ống kính camera góc siêu rộng. Nhưng từ năm 2015, LG đã giới thiệu camera selfie kép với một ống kính góc rộng trên mẫu LG V10. Cụ thể, 2 camera trước cùng có độ phân giải 5 megapixel nhưng một có góc rộng 80 độ và một có góc rộng 120 độ. Khi dùng camera 120 độ, góc chụp của điện thoại tương ứng với việc dùng gậy selfie dài 1,35 mét, rất phù hợp để người dùng chụp ảnh selfie tập thể, tiện lợi cho người dùng biết bao.
Rồi một năm sau đó, LG G5 đã nhanh nhạy chuyển ống kính góc cực rộng này ra phía sau, mang đến cho người dùng trải nghiệm việc sử dụng cùng lúc hai camera với các tiêu cự khác nhau, đem tới các góc ảnh phù hợp cho nhiều chủ đề.
Nhưng, chẳng có lấy một lời khen ngợi. Người dùng tại thời điểm đó không quan tâm tới góc rộng hay siêu rộng. Doanh số bán LG V10 hay G5 cũng không quá nổi bật. Nhưng bây giờ, vào năm 2019, mọi người dường như lại đổ xô tới xu hướng này, tỏ ra cực kỳ ưa thích máy ảnh siêu rộng. Cơn sốt này mạnh mẽ tới mức Google đã bị chỉ trích khi ra mắt Pixel 4 chỉ có ống kính tele thay vì góc siêu rộng như các đối thủ cùng phân khúc. Ai mà đoán được? Trong khi rõ ràng LG đã làm điều này từ khoảng 3 năm trước.
|
Màn hình độ phân giải QHD trên LG G3, trông có vẻ thuyết phục nhưng hóa ra lại hết sức vô lý. |
Tiếp đó, LG cũng dẫn đầu trong việc đưa độ phân giải QHD lên màn hình smartphone. LG G3 là smartphone được sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới, có sẵn màn hình với độ phân giải QHD (1440 x 2560 pixel). Và nó được bán ra thị trường từ năm 2014.
Nhưng công bằng mà nói, hóa ra đây lại là hành động "tự bắn vào chân mình" của LG. Công ty Hàn Quốc đã vội vàng chạy theo xu hướng mới, trong khi chưa có một nền tảng hoàn hảo về kỹ thuật. Kết quả là màn hình trên G3 vẫn kahs mờ và thời lượng sử dụng thiết bị giảm mạnh, do pin phải hoạt động quá nhiều để cung cấp năng lượng cho màn hình. Chưa kể, độ phân giải 1440 x 2560 lại hầu như không cho ra các kết quả rõ ràng trên màn hình kích thước 5,5 inch.
|
Khung thép không gỉ cho smartphone đã được LG áp dụng từ năm 2015. |
Thứ ba là thiết kế smartphone với khung bằng thép không gỉ. Ngày nay, Apple đang tỏ ra rất ưa thích cách thiết kế iPhone X , iPhone XS và bây giờ iPhone 11 Pro với khung thép không gỉ bao quanh. Nó làm cho thiết bị trở nên mạnh mẽ và đẹp khi cầm trong tay. Ai cũng nghĩ rằng Apple chắc phải là công ty dẫn đầu trong xu hướng thiết kế này. Nhưng không, rất ít người biết rằng LG V10 ra mắt năm 2015 đã tích hợp khung thép không gỉ.
Nhưng điều tệ hại (lại tự bắn vào chân mình lần thứ hai) là LG lại kết hợp khung viền này với một mặt sau được làm bằng nhựa rất mỏng manh. Khó trách cho nhà sản xuất, thời điểm này, các loại điện thoại với pin có thể tháo rời vẫn được ưa chuộng. Nếu mặt sau bằng kim loại, nó sẽ rất khó tháo ra, gây trở ngại cho việc thay pin. Kết quả là người dùng nhận được một chiếc điện thoại với các vật liệu cao cấp ở hai bên và mặt lưng dể bị uống cong, mỏng manh yếu đuối.
|
Người dùng từng cười khẩy trước thiết kế màn hình của LG, nhưng giờ lại tung hô trước Samsung, Huawei |
Chưa hết, rất lâu trước khi Samsung Galaxy Fold và Huawei Mate X với màn hình linh hoạt được công bố, LG đã thử nghiệm màn hình OLED có thể uốn cong. Công ty sở hữu các công nghệ và kỹ thuật, cho phép tạo ra LG Flex và LG Flex 2 với màn hình uống cong hình quả chuối.
Màn hình OLED bằng nhựa và pin được sắp xếp khéo léo cho phép bạn đặt điện thoại trên một bề mặt phẳng và làm thẳng nó ra mà không làm vỡ bất cứ thứ gì. Một khi áp lực không còn, điện thoại sẽ trở lại hình dạng uốn cong như trước mà không gặp rắc rối gì.
Lần cuối cùng LG sử dụng màn hình uốn cong trên smartphone là chiếc LG G4. Ngay sau đó, công ty đã bỏ hoàn toàn xu hướng thiết kế này.
|
LG G8 đã có cử chỉ tay trước cả sản phẩm của Apple, Huawei. |
Cuối cùng là tính năng đang làm điên đảo cộng đồng công nghệ thời gian gần đây: điều khiển smartphone bằng cử chỉ tay. Điển hình nhất là Google Pixel 4, Huawei Mate 30. Đây là công nghệ mới cho phép bạn vẫy tay trước điện thoại để chuyển trang hoặc điều khiển các tính năng trên mạng xã hội.
Nhưng, thực sự thì tính năng đã được giới thiệu từ trước đó trên LG G8, vào đầu năm nay. Camera Z của G8 cho phép người dùng điều khiển âm lượng, chuyển bài hát hoặc bắt đầu các ứng dụng yêu thích chỉ bằng việc thực hiện các cử chỉ phía trước điện thoại. Nhưng không ai thèm để ý hay nhớ tới.
Tất nhiên, tính năng này ở hiện tại vẫn chưa thực sự hoàn thiện, khi người dùng đôi khi phải lặp lại động tác nhiều lần để thiết bị nhận biết. Có lẽ chúng cần thêm thời gian để hoàn hảo trên các mẫu... iPhone hay Samsung Galaxy S, Galaxy Note năm 2020, 2021...
Chưa kể còn một loạt những thứ "đầu tiên" khác của LG như smartphone Android lõi kép (Optimus 2X); smartphone 3D không cần kính (Optimus 3D); smartphone đầu tiên dùng chip Snapdragon S4 Pro (Optimus G)....
Vậy vấn đề của LG nằm ở đâu?
"Đổi mới" là một từ được tiết lộ rất nhiều tại mỗi sự kiện ra mắt điện thoại thông minh mới. Ai cũng tuyên bố mình là người đi trước, dẫn đầu, khai phá... Nhưng không phải nhà sản xuất hay sản phẩm nào cũng thành công. LG chính là minh chứng điển hình nhất.
Với LG, rõ ràng mọi việc không đơn giản chỉ bằng cách ném mọi tính năng mới nhất, độc lạ nhất vào thiết kế sản phẩm của mình. Công ty Hàn Quốc này có nền tảng công nghệ, kỹ năng và tiềm lực tài chính ổn định. Nhưng cái thiếu ở đây, dường như là sự bền bỉ kiên trì theo đuổi và một chiến lược tiếp thị rõ ràng. Nếu kiên trì, LG đã có thể chứng minh các thiết kế sản phẩm của mình là hiệu quả, thay vì phải nhờ Samsung hay Apple minh họa giúp. Nếu tiếp thị tốt, người ta đã nhớ tới LG như kẻ tiên phong, dẫn đầu.
Khi ra mắt một sản phẩm. Samsung đánh chiếm gần như mọi mặt trận từ bảng quảng cáo, trạm xe buýt cho tới TV, mạng Internet. Apple thì từ lâu đã được xem là tượng đài trong lĩnh vực marketing. Ngược lại, LG qua bao năm vẫn là logo cũ với khẩu hiệu "Life’s Good" cũ kỹ, tưởng chứng thân thiện nhưng lại rất xa vời, khó đọng lại trong tâm trí người dùng. Không phải LG không cố gắng, nhưng những gì hãng công nghệ này làm được là chưa đủ, cả về quy mô lẫn sức nặng cần thiết để tạo ra tiếng vang.
Rõ ràng, LG không vô tội và khó có thể đổ lỗi cho số phận may rủi. Công ty này đã tạo ra một số thứ rất tuyệt vời trong những năm qua, nhưng chỉ để sau đó bỏ tất cả vào thùng rác (gần hết trong số chúng). Và cũng chẳng có lý do gì giải thích cho việc tại sao LG có thể sáng tạo đi trước mà vẫn để các đối thủ cạnh tranh giành lấy vinh quang và độc chiếm lấy ánh đèn sân khấu, đáng lẽ ra phải của mình.