Hoàng hôn đang buông xuống trong rừng già ở Ecuador khi hai nhà khoa học phát hiện chiếc nấm zombie đầu tiên. Mùi đất ẩm và thảm thực vật bốc lên khi Alan Rockefeller bước những bước chậm rãi, cẩn thận, quét nền rừng bằng tia cực tím.
Đột nhiên, những sợi đông trùng hạ thảo (Cordyceps nidus) phát sáng. Được mệnh danh là “nấm zombie”, đông trùng hạ thảo được biết đến với khả năng xâm chiếm vật chủ côn trùng, buộc chúng phải tìm kiếm một vị trí thích hợp để giải phóng bào tử. Đó là lúc vật chủ sẽ chết.
Nhóm nghiên cứu tìm thấy đông trùng hạ thảo, một loài được tìm thấy vào năm 2017 và sinh trái trên một con nhện cửa sập; Rockefeller thắp sáng nấm cốc Cookeina speciosa; Trong ảnh tiếp theo, anh giơ một cây gậy có nấm chân chim (Schizophyllum) mọc, một loại nấm phổ biến phát sáng dưới tia UV; Rockefeller và Quark cầm nấm lược khỉ.
Mandie Quark quỳ gối trên mặt đất ẩm ướt và xốp, cẩn thận dùng ngón tay chọc xung quanh cây nấm gây bệnh cho côn trùng để lộ ra ấu trùng ẩn náu bên dưới mặt đất: một con bọ cỡ ngón tay cái. Hai nhà khoa học cẩn thận chiếu sáng và chụp ảnh phát hiện của mình trước khi bắt đầu hành trình hơn 3 km về nhà.
Tại vùng núi Ecuador, hai nhà nấm học đã bắt tay vào cuộc thám hiểm nghiên cứu tại các khu rừng nhiệt đới không được bảo vệ ở thượng nguồn Amazon. Nhiệm vụ của họ là ghi lại một cách tỉ mỉ một số loại nấm quý hiếm nhất trên thế giới đang bị suy giảm nhanh chóng do biến đổi khí hậu, khai thác gỗ và mỏ bất hợp pháp.
Quark đi tìm các loại nấm quý hiếm, chưa được khám phá ở vùng đất bản địa của cộng đồng Sacha Wasi ở Pastaza, Ecuador.
Rừng nhiệt đới Amazon có một số loài động thực vật đa dạng nhất thế giới. Vô số loài nấm rải rác khắp nơi, nhiều loài vẫn chưa được đặt tên và đang chờ được khám phá.
Bạn không thể chỉ nói rằng bạn có một loại nấm quý hiếm vô danh. Nếu bạn có thể đặt cho nó một cái tên thì bạn có thể bảo tồn nó.
Alan Rockefeller, nhà nấm học
Rockefeller và Quark cẩn thận thu thập dữ liệu bằng cách chụp ảnh và lập danh mục từng mẫu vật để gửi đến phòng tiêu bản quốc gia ở Quito và cuối cùng là giải trình tự ADN.
Mục đích cuối cùng của Rockefeller và Quark là chia sẻ những khám phá của mình về nấm Amazon với thế giới, hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn sinh thái ở Ecuador và hơn thế nữa. Họ làm việc cùng với cộng đồng Sacha Wasi bản địa, những người đã mời các nhà khoa học tới nghiên cứu trên vùng đất của mình, trao đổi thông tin về các loài nấm khác nhau và tiềm năng sinh thái hoặc ẩm thực của chúng.
Trên cùng: Rockefeller lùng sục khắp vách đất trong rừng nhiệt đới để tìm nấm. Phần giữa - theo chiều kim đồng hồ từ trên cùng bên trái: Quark giơ ngọn đèn cầm tay để lấy ánh sáng chụp một cây nấm chong chóng Marasmius; Rockefeller dựng hai ngọn đèn để chụp nấm Clavaria schaefferi; Quark chụp ảnh nấm Ophiocordyces melolonthae. Ảnh dưới cùng: Hai người phụ nữ từ cộng đồng Sacha Wasi tham gia vào công việc của các nhà nấm học.
Cốt lõi của quá trình này nằm ở nghệ thuật chụp ảnh myco. Mỗi lần bấm nút chụp là một nỗ lực ghi lại khoảnh khắc thoáng qua trong chu kỳ của những sinh vật mỏng manh này, chúng dành phần lớn cuộc đời dưới lòng đất.
“Mục tiêu của tôi là chụp được bức ảnh đẹp nhất có thể để khiến mọi người hào hứng với đa dạng sinh học và khiến họ muốn tìm hiểu thêm về nấm”, Rockefeller nói.
Hai nhà khoa học này còn dùng phương pháp chụp ảnh macro với tiêu điểm xếp chồng, một kỹ thuật ghi lại mọi chi tiết phức tạp của cây nấm, cũng như ghi lại hình ảnh kính hiển vi của bào tử và tạo ra “dữ liệu mã vạch” ADN. Thông qua phương pháp này, họ muốn đảm bảo mỗi loại nấm được ghi nhận đều góp phần vào sự hiểu biết hiện tại về đa dạng sinh học của nấm.
Rockefeller tiếp tục miệt mài săn nấm trong khi Quark chụp một bức ảnh khác để lưu vào hồ sơ nghiên cứu.
“Hiểu biết những gì chúng ta có thực sự quan trọng trong việc bảo tồn”, Rockefeller nói. Bạn không thể chỉ nói rằng mình có một loại nấm quý hiếm vô danh - điều đó không hiệu quả”.
“Nếu bạn có thể đặt cho cây nấm một cái tên thì bạn có thể bảo tồn nó. Và nếu bất cứ ai định thực hiện phân tích hóa học để cố gắng đạt được một khám phá mới dựa trên những loại nấm này, thì họ cần một cái tên có thể dùng để thông báo về loại nấm mà họ đang phân tích. Vì vậy, phân loại học (taxonomy) thực sự quan trọng vì lý do đó”.
Thành quả lao động của hai nhà nấm học: Rockefeller giới thiệu hộp sưu tập các mẫu vật được tìm thấy trong rừng nhiệt đới.
Hầu hết mọi người sẽ không bao giờ có cơ hội đến thăm rừng nhiệt đới và quan sát những loại nấm đa dạng và khó nắm bắt này. Vì vậy Rockefeller và Quark đã chia sẻ những phát hiện của họ trên mạng xã hội và ứng dụng, như iNaturalist, Mushroom Observer, GenBank và MycoMap, để người khác có thể quan sát kỹ lưỡng các chi tiết phức tạp - trong một số trường hợp, trước khi loài này biến mất.
Vật lộn với những địa hình đầy thử thách của Amazon, hai nhà khoa học này cố gắng mở ra cơ hội được quan sát nấm quý hiếm và nêu bật lên tầm quan trọng của việc bảo tồn các hệ sinh thái không thể thay thế.
Trở về từ khu rừng, hai nhà khoa học bắt tay vào quá trình phân loại và dán nhãn các mẫu vật trước khi cho chúng vào máy khử nước. Sau khi hoàn thành, những mẫu vật có giá trị sẽ được đưa đến phòng mẫu thảo quốc gia ở Quito.
Quark nói: “Thật khó để sống trong thời điểm hiện tại - chúng ta luôn có hàng triệu thứ đang cố gắng thu hút sự chú ý của tất cả. Nhưng công việc chúng tôi đang làm là thu hút sự chú ý đến hiện tại và truyền cảm hứng cho những người khác cũng làm như vậy”.
Cô nói thêm: “Nấm tồn tại ở ranh giới của sự sống và cái chết. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng sự tồn tại là phù du và trải nghiệm của con người cũng là phù du. Có mặt ở đó vào thời điểm hoàn hảo để tìm thấy một cây nấm đẹp, bạn phải hiện diện bằng tất cả giác quan của mình để tôn trọng khoảnh khắc đó khi cây nấm còn nguyên sơ nhất”.
"Bạn phải hiện diện bằng tất cả giác quan của mình": Quark kiểm tra một cây nấm trên bức tường rừng nhiệt đới cạnh thác nước.