Riêng cái tên Alienacanthus, có nghĩa là một thủy quái gai "ngoài hành tinh", đã đủ cho thấy sự kỳ dị của sinh vật từng gây kinh hoàng cho đại dương cổ đại này.
Thủy quái "ngoài hành tinh" Alienacanthus - Ảnh: Beat Scheffold và Christian Klug
Trong đó, "acanthus" là một loại cây có gai ở vùng Địa Trung Hải, được liên tưởng đến khi đặt tên bởi lẽ phần hàm hóa thạch mà các nhà khoa học thu thập được cũng tua tủa gai - thực ra là răng - như loài cây đó.
Không chỉ vậy, hàm dưới đầy răng của nó còn thon và dài bất thường, mà theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Royal Society Open Science, đủ để gây ra vết căn khủng khiếp nhất từng được ghi nhận.
Kết quả định tuổi hóa thạch cho thấy Alienacanthus thuộc về kỷ Devon. Đó là một kỷ địa chất kéo dài 60 triệu năm từ lúc kỷ Silur kết thúc 419 triệu năm trước cho đến khi kỷ Than Đá bắt đầu khoảng 359 triệu năm trước.
Đây cũng là kỷ nguyên quan trọng với hệ động vật địa cầu: Chính là thời đại một số loài thủy quái cổ đại bắt đầu tiến hóa để sống trên bờ, trở thành động vật bốn chân.
Theo nhà cổ sinh vật học Melina Jobbins của Đại học Zurich (Thụy Sĩ) viết trênThe Conversation,những phát hiện mới về Alienacanthus đã lập kỷ lục mới về hình dạng thực sự mà các thủy quái kỷ Devon có thể sở hữu.
Ngoài mẫu vật ở Ba Lan, một số hóa thạch khác ở Morocco cũng được xác định là thuộc về loài thủy quái này.
Vào kỷ Devon, hai quốc gia đó nằm ở bờ biển phía Đông Bắc và phía Nam của một siêu lục địa rộng lớn. Điều này có nghĩa Alienacanthus phân bố rộng rãi khắp siêu đại dương thời kỳ này.
Thủy quái cũng được xác định là thuộc về một nhóm cá bọc thép là những động vật có xương sống có hàm đầu tiên. Tuy nhiên, chưa loài nào thuộc nhóm này có khuôn mặt "ngoài hành tinh" như Alienacanthus.