Các bản khắc đá cùng vô số hiện vật khác bị cướp phá từ các địa điểm khảo cổ của Iraq, buôn lậu qua Israel, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và cuối cùng rơi vào tay công ty Hobby Lobby (Mỹ). Đầu tháng 5 vừa qua, Iraq tổ chức 1 nghi lễ tiếp nhận, nhờ đó những hiện vật này hồi hương sau hơn 1 năm lưu kho.
Mới đây, giáo sư Eckart Frahm - chuyên ngành ngôn ngữ và các nền văn minh cận đại, Đại học Yale (Mỹ) - tiết lộ với tờ Live Science rằng 450 bản khắc đá, con dấu trong nhóm hiện vật này là những cổ văn đắt giá, có thể dẫn các nhà khảo cổ đến thành phố Irisagrig - một thành phố trù phú ở Iraq 4.000 năm về trước, nay đã mất dấu.
|
Bức ảnh vệ tinh chụp những vết đen được cho là tàn tích của thành phố mất tích. |
Vị giáo sư cho biết ông đã có hơn 2 ngày thống kê, sắp xếp lại các cổ vật vốn mô tả chi tiết về các công việc trong thành phố. "Một tài liệu ghi lại việc phân phối thực phẩm cho các sứ giả hoàng gia và quan chức. Tài liệu khác lại ghi chép việc cung cấp thức ăn cho "chó cung điện", một số tài liệu khác nói về việc cải tạo một con kênh" - giáo sư Frahm tiết lộ.
Các bản khắc đá mới này có niên đại khá xa so với các tài liệu khác được cho là thuộc về Irisagrig từng được tìm thấy tại nhiều bang của Mỹ, Úc, Nhật, Canada, Israel, Pháp… Những bản khắc đầu tiên xuất hiện trên thị trường buôn lậu vào năm 2003.
Đáng chú ý, một số bản khắc ghi chép về cách định vị Irisagrig. Theo tính toán, nó có khả năng nằm ở một thị trấn gần Afak, miền Nam Iraq hiện tại. Một bức ảnh vệ tinh chụp năm 2017 tại khu vực này cho thấy những tàn tích bí ẩn giữa lòng hoang mạc, nghi là dấu vết của thành phố cổ.
Ngoài 450 bản khắc vừa được trao trả, từng có những bản khắc rời rạc khác trở về Iraq với sự ủng hộ của các nhà khoa học thế giới. Họ hy vọng rằng với những gì gom góp được, đặc biệt là lô hàng lên đến 450 bản khắc vào tháng 5 vừa qua, các học giả Iraq có thể hoàn thành cuộc tìm kiếm thú vị.