Phát hiện loài động vật ăn thịt có túi, mắt ngựa, răng kiếm

Google News

Nghiên cứu về loài Thylacosmiluss mô tả những phát hiện dựa trên phân tích hộp sọ của con vật, được công bố hôm 21.3 trên tạp chí Communications Biology.

Một loài động vật được coi là khác thường, có răng nanh tương tự răng nanh của mèo răng kiếm, và đôi mắt to của loài bò sống ở Nam Mỹ khoảng 5 triệu năm trước.
Theo một nghiên cứu mới, để săn thành công con mồi và sống sót, loài "răng kiếm có túi", được đặt tên là Thylacosmilus atrox, đã thích nghi để nhìn thế giới theo một cách độc đáo, bởi vì răng nanh của nó nhô ra khỏi miệng hết cỡ nên chân răng của chúng có rễ quấn trên đỉnh hộp sọ để tạo độ bám.
Phat hien loai dong vat an thit co tui, mat ngua, rang kiem
Mô phỏng loài Thylacosmiluss
Tác giả chính của nghiên cứu về Thylacosmiluss là Charlene Gaillard, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nivology, Glaciology và khoa học môi trường quốc gia ở Mendoza (Argentina) cho biết: “Chúng không chỉ lớn mà còn phát triển không ngừng đến mức chân răng còn khoan sâu đến tận đỉnh họp sọ”.
Nghiên cứu về loài Thylacosmiluss mô tả những phát hiện dựa trên phân tích hộp sọ của con vật, được công bố hôm thứ ba trên tạp chí Communications Biology.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Thylacosmilus là loài siêu ăn thịt - một loài động vật có chế độ ăn khoảng 75% là thịt, tương tự sư tử. Nhưng không giống như hầu hết các loài săn mồi có mắt hướng về phía trước và tầm nhìn 3 chiều trọn vẹn để giúp truy kích con mồi, sinh vật này có cặp mắt ở hai phía hộp sọ giống như mắt ngựa.
Vị trí của những chiếc răng nanh lớn của loài Thylacosmilus đồng nghĩa với việc không có chỗ cho con vật có mắt ở phía trước khuôn mặt của nó. Đôi mắt không còn trong hồ sơ hóa thạch, nhưng hốc mắt trong hộp sọ có thể giúp các nhà nghiên cứu xác định thêm về đặc tính thị giác của các sinh vật đã tuyệt chủng.
Nhận thức chiều sâu thị giác
Nhà nghiên cứu Gaillard đã sử dụng công nghệ tái tạo ảo 3D và quét CT để phân tích hộp sọ Thylacosmilus và so sánh với hộp sọ của các động vật có vú khác, đặc biệt là động vật ăn thịt.
Nhà nữ nghiên cứu này xác định rằng hốc mắt của Thylacosmilus được định hướng theo chiều dọc hơn các động vật tương tự khác để đạt được cảm nhận về chiều sâu.
“Thylacosmilus có tầm nhìn rộng kiểu toàn cảnh. Một cách để bạn dễ hình dung là nó giống với cách khi bạn chụp một bức ảnh toàn cảnh bằng điện thoại di động của mình. Hình ảnh thu được là một góc nhìn rộng của phong cảnh và chấp nhận các yếu tố riêng lẻ của phong cảnh lại khó biệt lập, khó tập trung hơn”.
Đồng tác giả nghiên cứu Analia M. Forasiep, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia - CONICET (cơ quan nghiên cứu khoa học Argentina) cho biết khoảng 70% trường thị giác (từ 2 mắt) của Thylacosmilus có thể chồng lên nhau, đủ để giúp nó thành một kẻ săn mồi thành công.
Đồng tác giả nghiên cứu Ross D.E. MacPhee, người phụ trách cao cấp về động vật có vú tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ ở TP.New York cho biết thêm: “Việc phân tích bộ xương của Thylacosmilus, kết hợp với hiểu biết của các nhà nghiên cứu về tầm nhìn của nó, cho thấy loài vật này không có khả năng đuổi theo con mồi với tốc độ cao. Họ hàng của thú có túi cổ đại giống như những con mèo lớn săn mồi và nặng khoảng 100kg. Tuy nhiên, nhiều khả năng Thylacosmilus là loài động vật “nằm phục kích, ẩn mình nơi kín đáo và chờ đợi một con mồi có khả năng xuất hiện”.
Với một con mồi trong tầm mắt và khoảng cách đủ gần, Thylacosmilus sẽ có thể giáng một đòn chí mạng bằng cách lao vào mục tiêu và cắm chiếc răng nanh khổng lồ của nó vào con mồi.
Hộp sọ tiến hóa kỳ lạ
Ngoài sự thích nghi bất thường để phù hợp với những chiếc răng khểnh, hộp sọ của Thylacosmilus còn có cấu trúc xương giúp đóng hốc mắt của nó từ một bên để tránh biến dạng và phồng lên quá mức khi ăn, vì nhãn cầu của nó rất gần với cơ nhai.
Các nhà nghiên cứu tin rằng Thylacosmilus đã tuyệt chủng do những thay đổi môi trường làm thay đổi cảnh quan Nam Mỹ 3 triệu năm trước, khiến con mồi của nó trở nên khan hiếm. Và một khi Thylacosmilus biến mất, những con mèo răng kiếm từ Bắc Mỹ di chuyển về phía nam để chiếm lấy vị trí của chúng như những kẻ săn mồi. Những con mèo răng kiếm này, chẳng hạn như Smilodon, sống trên khắp Bắc Mỹ mới chỉ tuyệt chủng 11.000 năm trước.
Nghiên cứu về loài Thylacosmilus đã tạo ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, chẳng hạn như tại sao nó là loài động vật duy nhất có răng với kích thước lớn đến mức đòi hỏi sự thích nghi của hộp sọ.
Gaillard nói: “Nó có thể khiến việc săn mồi trở nên dễ dàng hơn theo một cách nào đó. Răng nanh của Thylacosmilus không bị mòn, giống như răng cửa của loài gặm nhấm. Thay vào đó, chúng dường như tiếp tục phát triển ở phía gốc, cuối cùng kéo dài gần như ra phía sau hộp sọ”.
Các nhà nghiên cứu cũng muốn khám phá xem con vật có thể đã sử dụng các giác quan khác như thế nào để giúp nó săn mồi.
Forasiepi nói: “Có một điều rõ ràng: Thylacosmilus không phải là một loài quái dị về bản chất… vào thời điểm và môi trường sống của nó. Thật đáng kinh ngạc khi với bộ dạng như vậy mà nó đã xoay xở để sống sót như một kẻ săn mồi phục kích. Chúng ta giờ đây có thể coi đó là một điều bất thường bởi vì nó không phù hợp với các phạm trù định sẵn của chúng ta về hình dạng của một động vật có vú săn mồi thành công, nhưng sự tiến hóa tạo ra các quy tắc của riêng nó”.
Theo Anh Tú/Một Thế Giới

>> xem thêm

Bình luận(0)