1. Không biết đau
Có những thời điểm, đáng lẽ cơ thể phải cảm thấy rất đau thì chúng ta lại không hề có cảm giác ấy. Đây là một trong những khả năng đặc biệt khác của cơ thể con người.
Minh chứng điển hình là câu chuyện của Amy Racina. Cô gái này ngã từ một vách đá cao xuống đất, dập vỡ đầu gối và hông, khiến xương nhô ra bên ngoài da. Vậy nhưng, cô chẳng hề cảm thấy đau đớn chút nào. Amy vẫn vô cùng bình tĩnh, lết người trên mặt đất cho tới khi tìm được sự giúp đỡ. Cô chỉ cảm thấy đau khi đã được trực thăng đưa tới bệnh viện an toàn.
Đơn giản là những khả năng này của con người chỉ phát huy trong thời gian ngắn. Theo lý giải khoa học, sở dĩ Amy không thấy đau là do cơ thể đã tiết ra một lượng lớn hormone endorphins vào thời điểm cô ngã.
Hormone này là một loại "thuốc phiện" tự nhiên có sẵn trong cơ thể người, giúp não không thể cảm nhận tín hiệu đau truyền từ các bộ phận về, do đó sẽ không còn thấy đau nữa.
2. “Siêu nếm”
Người có khả năng "siêu nếm" là những người có thể cảm nhận được hương vị tốt gấp nhiều lần người bình thường.
Với cấu tạo lưỡi nhiều gai hình nấm (vùng cảm nhận vị giác), khiến lưỡi có phản ứng mạnh mẽ hơn với những vị khác nhau, đặc biệt là vị đắng. Theo tính toán, khoảng 25% dân số thế giới có khả năng này.
Nguyên nhân có thể do quá trình trưởng thành, nhưng phần lớn khả năng là nó đã được lập trình trong các gene của người có siêu vị giác, đặc biệt là một gene có tên gọi TAS2R38 - gen cảm nhận vị đắng. Điều này khiến cho hầu hết những người có siêu vị giác đặc biệt nhạy cảm với vị cay hay đắng, khiến họ thường không thích một số loại đồ ăn nhất định như cà phê, mướp đắng hay bưởi ép nguyên chất.
3. "Siêu thính"
Đây là khả năng xác định một cách chính xác và ghi lại giai điệu mà không cần một dụng cụ hay tài liệu nào hỗ trợ.
Những người có khả năng này xác định được âm vực từ những âm thanh rất bình thường (tiếng còi, còi báo động, tiếng động cơ…), đồng thời có thể hát, đọc tên chính xác những nốt nhạc, tên hợp âm dù mới nghe lần đầu.
|
Ảnh minh họa. |
Các nhà khoa học đã đưa ra những ý kiến khác nhau về khả năng này. Một số người cho rằng, đây là khả năng di truyền. Số khác lại nghĩ nó có thể đạt được qua rèn luyện, đặc biệt là sự tiếp xúc với âm nhạc. Điều này giống như việc trẻ con có thể nhận biết và ghi nhớ màu sắc phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc với nó.
Theo ước tính, ở Mỹ và châu Âu, chỉ 3% người có khả năng nghe tuyệt đối, 8% trong số họ là nhạc sĩ bán chuyên và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở các học viện âm nhạc tại Nhật Bản, 70% nhạc sĩ có khả năng này.
Lý giải cho sự chênh lệch trên, các nhà khoa học cho rằng, dạng thính giác phổ biến hơn với những người lớn lên tại môi trường nói tiếng có âm (tiếng Quảng Đông, Quan Thoại và Tiếng Việt) hoặc nhiều âm vực (tiếng Nhật). Ngoài ra, những người bị mù bẩm sinh, mắc hội chứng William – một loại rối loạn thần kinh hay rối loạn tự kỉ đều dễ có được khả năng này.
4. “Siêu thị lực”
Còn có tên Tetrachromacy, đây là một hiện tượng rất hiếm thấy ở con người. Những người sở hữu khả năng này có thể nhìn thấy nhiều màu sắc mà đối với phần lớn chúng ta chẳng có gì khác biệt. Cho đến nay chỉ có 2 trường hợp được phát hiện ở người.
Tetrachromacy là khả năng nhìn thấy ánh sáng, màu sắc từ bốn nguồn khác nhau. Một ví dụ về khả năng này trong thế giới động vật là cá ngựa vằn (Danio rerio), chúng có thể nhìn thấy ánh sáng từ đỏ, xanh lá cây, xanh dương và tia cực tím từ quang phổ ánh sáng.
Con người có 3 loại tế bào hình nón cảm thụ 3 loại ánh sáng đỏ, xanh lá cây hoặc xanh dương từ quang phổ ánh sáng. Mỗi loại tế bào có thể nhận 100 thang độ màu sắc, não sẽ kết hợp màu sắc và thang độ khiến con người có thể phân biệt 1 triệu màu sắc khác nhau trên thế giới. Một người có khả năng Tetrachromacy cảm thụ vùng giữa đỏ và xanh lá cây (tức là trong phạm vi màu cam) sẽ có thể phân biệt được 100 triệu màu sắc, về mặt lý thuyết. Khả năng này phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.
5. Khả năng định vị bằng âm thanh
Khả năng này xuất hiện nhiều nhất ở loài dơi - chúng phát ra tiếng, tiếp nhận dao động phản hồi để xác định vị trí và khoảng cách của sự vật. Thế nhưng, con người cũng có thể làm được dù phải mất một thời gian khá lâu để thành thạo.
Những người có được khả năng này chủ yếu là người mù. Để thực hiện, họ chủ động tạo ra âm thanh (bằng nhiều cách khác nhau như tặc lưỡi, gõ gậy…), rồi cảm nhận âm thanh phản hồi mà xác định những vị trí, kích thước và độ dày của sự vật. Tuy vậy, con người không thể nghe được những âm thanh có tần số cao như dơi và cá heo nên chúng ta chỉ có thể cảm nhận được sự vật lớn hơn rất nhiều so với những loài vật có khả năng trên.
6. Khả năng "siêu tính nhẩm"
Đây là khả năng tính nhẩm những phép tính với con số lớn mà không cần dùng máy tính hay các dụng cụ hỗ trợ khác. Tuy nhiều người qua quá trình rèn luyện có thể thực hiện trong đầu những phép tính lớn với tốc độ cực nhanh (chủ yếu là các nhà toán học, ngôn ngữ học), nhưng cũng tồn tại số người khác có khả năng đặc biệt này do bẩm sinh.
Phần lớn những người này mắc “hội chứng bác học” - hội chứng rối loạn phát triển, có một hoặc nhiều khả năng, chuyên môn vượt trội (ước tính 50% trong số họ mắc chứng tự kỉ).