Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Nature hồi cuối tháng 8 cho thấy việc nhiệt độ tăng hay các thiên tai như hạn hán, cháy rừng, có thể liên quan đến việc lây lan các loại dịch bệnh, bao gồm Covid-19.
Camilo Mora là nhà khoa học khí hậu tại Đại học Hawaii và là một trong những tác giả của nghiên cứu xem xét tác động của những thay đổi vi mô này.
Trong chương trình phát thanh All Things Considered, ông đã trao đổi về các phát hiện của mình và ý nghĩa của chúng với tương lai.
|
Khói bốc lên từ một đám cháy rừng ở Brazil vào năm 2019. Ảnh: Getty.
|
Mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và dịch bệnh
Theo ông Camilo Mora, mỗi lần con người chịu tác động từ biến đổi khí hậu, như nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt ngày càng phổ biến, chúng đều liên quan tới lượng khí nhà kính ngày càng tăng.
Biến đổi khí hậu có thể buộc con người phải tiếp xúc nhiều hơn với các loài sinh vật chứa đựng nguy cơ tiềm tàng cho sức khỏe của chúng ta. Khi sự tiếp xúc gia tăng, số lượng mầm bệnh có trong tự nhiên có cơ hội xâm nhập cao hơn, khiến tất cả chúng ta bị bệnh. Trong báo cáo, ông cùng cộng sự định lượng mức độ ảnh hưởng này.
Ông lấy ví dụ một loài dơi sống trong rừng rậm. Chúng vốn mang mầm bệnh cả trăm năm. Chúng sống xa loài người, hai bên không tiếp xúc nên con người không bị lây nhiễm. Nhưng trong quá trình phát triển, con người thải ra nhiều khí thải, gây hiệu ứng nhà kính và Trái Đất nóng lên. Từ đó, hạn hán, cháy rừng xảy ra.
Những con dơi vốn sống trong rừng rậm, vô hại với loài người, nay phải di cư sang chỗ khác kiếm ăn cùng môi trường sống mới. Chúng có thể tiếp xúc với con người, lây lan mầm bệnh.
Đó chính là điều đã xảy ra và gây ra dịch Covid-19.
Biến đổi khí hậu cũng có thể hạn chế dịch bệnh?
Ngược lại, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện một số trường hợp biến đổi khí hậu giúp ngăn ngừa dịch bệnh. Nhưng trong phần lớn trường hợp (58%), biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người theo cả nghìn cách khác nhau, khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy 60% dịch bệnh có thể dừng lại hoặc không còn là nguy cơ. Một trong những ví dụ là hạn hán. Tình trạng thiếu nước khiến muỗi không thể sinh sôi, từ đó giảm bớt phần nào bệnh truyền nhiễm qua muỗi.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hạn hán khiến bệnh lây qua muỗi trở nên kinh khủng hơn. Lượng nước hạn chế lại là môi trường lý tưởng để muỗi sinh sản. Chúng tìm đến nơi có nguồn nước. Những hồ nước nhỏ trở thành nơi tập trung muỗi và mầm bệnh.
Mối nguy tiềm ẩn giữa biến đổi khí hậu và Covid-19
Thực tế, Camilo Mora chính thức trải nghiệm việc biến đổi khí hậu tác động đến nguy cơ lây bệnh. Ông từng nghỉ lễ ở Colombia. Chủ quan có sức khỏe tốt, ông không bôi thuốc chống muỗi. Ông bị muỗi đốt, không ngờ nó có virus chikungunya. Cuối cùng, Mora mắc bệnh này.
Căn bệnh khiến da ông phồng rộp trong một tuần. Ông thừa nhận đó là chuỗi ngày đau đớn. Ông cũng bị đau khớp. Khi thực hiện nghiên cứu, nhà khoa học phát hiện dịch chikungunya bùng phát vì lúc đó, toàn bộ Nam Mỹ mưa dầm dề, những con muỗi mang mầm bệnh di chuyển khắp nơi.
Ông Mora thừa nhận bản thân sốc sau khi đọc nhiều nghiên cứu rồi nhận ra biến đổi khí hậu khiến dịch bệnh gia tăng. Họ vốn bắt tay thực hiện nó để xem xét liệu biến đổi khí hậu có liên quan gì đến việc Covid-19 bùng phát.
Đến nay, họ vẫn chưa có kết luận chắc chắn nhưng khẳng định có ít nhất 20 khả năng Covid-19 xảy ra do biến đổi khí hậu. Ông cho rằng đây là điều đáng lo ngại.