Cụ thể, trong buổi họp báo diễn ra vào lúc 14h EDT ngày 14/4 (tức 1h sáng nay theo giờ VIệt Nam), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA)công bố thông tin chấn động. Các nhà khoa học cho rằng ẩn sau bề ngoài như một vùng đất bỏ hoang lạnh giá, Mặt Trăng của sao Thổ - Enceladus có thể trở thành một địa điểm tồn tại sự sống ngoài hành tinh.
Trong buổi họp báo kéo dài 1 giờ tại hội trường James Webb, trụ sở của NASA ở Washington D.C, Mỹ, NASA tiết lộ thông tin và tổng kết quá trình thực hiện sứ mệnh kéo dài suốt 20 năm thăm dò tìm sự sống của tàu vũ trụ Cassini và kính viễn vọng không gian Hubble trong Hệ Mặt trời.
|
Các cột khí phun lên từ bề mặt Enceladus được tàu vũ trụ Cassini chụp lại. Ảnh: NASA |
NASA cung cấp những chứng cứ đầu tiên ghi nhận qua tàu thăm dò Cassini cho thấy, có phản ứng hóa học cần thiết xảy ra dưới sâu lớp băng đá bao phủ
Mặt trăng Enceladus để tạo ra một môi trường cho phép vi sinh vật tồn tại. Đây là bằng chứng quan trọng có thể chứng minh có tồn tại sự sống trên Mặt trăng của sao Thổ, cách Mặt trời đến 1,4 tỷ km. Cụ thể, khí hydro có khả năng cung cấp nguồn năng lượng hóa học cho sự sống đang tràn vào bề mặt đại dương của Enceladus từ hoạt động thủy nhiệt dưới đáy biển. Sự hiện diện của hydro trong đại dương của mặt trăng có nghĩa là vi khuẩn (nếu có) có thể sử dụng nó để lấy năng lượng bằng cách kết hợp hydro với carbon dioxide hòa tan trong nước. Phản ứng hóa học này gọi là “methanogenesis” vì nó tạo ra khí metan, gốc rễ của sự sống trên Trái đất và thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng đối với nguồn gốc sự sống trên hành tinh chúng ta.
Nước, nguồn năng lượng cho quá trình trao đổi chất và thành phần hóa học phù hợp, chủ yếu là carbon, hydro, nitơ, oxy, phốt pho và lưu huỳnh là 3 yếu tố chính cho sự sống. Qua các nghiên cứu từ trước tới nay, Mặt trăng Enceladus có gần như tất cả những yếu tố này.
Quản lý Cơ quan Sứ mệnh Khoa học của NASA, ông Thomas Zurbuchen cho biết: “Kết quả nghiên cứu mới nhất là xác định được một nơi có một số thành phần cần thiết cho môi trường sống. Những kết quả này cho thấy bản chất kết nối của các sứ mệnh khoa học của NASA đang đưa chúng ta đến gần hơn câu trả lời liệu chúng ta có thực sự đơn độc hay không”.
Giáo sư David Rothery, chuyên ngành Địa chất học Hành tinh tại Đại học Mở (Anh) cho biết: “Nếu chúng ta biết sự sống tồn tại riêng biệt tại hai địa điểm trong Hệ Mặt trời, thì chúng ta cũng có thể tự tin rằng cuộc sống cũng tồn tại ở đâu đó trong hàng chục tỷ hành tinh và Mặt trăng trong vũ trụ”.
Những phát hiện mới này sẽ cung cấp dữ liệu cho các sứ mệnh khám phá đại dương và sự sống bên ngoài Trái đất trong Hệ Mặt trời trong tương lai. Đây "quả là một kết quả đáng ghi nhận. Chúng ta biết có 4 nhân tố để sự sống hình thành, bao gồm nước, các chất hóa học thích hợp, nguồn năng lượng và thời gian đủ để sự sống phát triển. Nhưng giờ, chúng ta đã phát hiện được 3 trong 4 nhân tố quan trọng đó trên Enceladus”, Giáo sư Andrew Coates khoa vật lý trường UCL (London, Anh) nói.
Mặt trăng Enceladus là Mặt trăng lớn thứ 6 của sao Thổ, được nhà thiên văn người Anh William Herschel phát hiện vào năm 1789.