“Thankful Village” (Tạm dịch: Ngôi làng biết ơn) là thuật ngữ lần đầu được đề cập tới bởi nhà văn kiêm nhà báo người Anh, Arthur Mee vào những năm 1930 trong cuốn The King’s England. Nó ra đời khi xuất hiện những ngôi làng không một người lính nào tử nạn khi tham gia chiến đấu trong Thế chiến I.
|
Tấm biển “Thankful Village” tại ngôi làng Wigsley. |
Ban đầu, người ta xác nhận có 32 ngôi làng biết ơn. Nhưng một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện có tới 53 ngôi làng như vậy trên khắp nước Anh và xứ Wales. Bên cạnh đó cũng có tới 14 ngôi làng trong số này không có ai tử vong khi tham gia cả hai cuộc Thế chiến. Những ngôi làng này được gọi là “doubly thankful” (biết ơn gấp đôi). Điều đáng ngạc nhiên là người dân những ngôi làng trên không tổ chức bất kỳ một nghi lễ cầu may nào trong hàng thập kỷ qua.
Mục sư Michael Hampson, đến từ ngôi làng biết ơn Arkholme ở Lancashire, cho biết: “Những ngôi làng khác xung quanh nơi tôi đang sống có rất nhiều những người lính một đi không trở lại. Chẳng hạn, chỉ cần lên đường ở Whittington, sẽ bắt gặp ngày một gia đình có người thân hy sinh trong cả Thế chiến I và II“.
Thay vì những tấm bia mộ đau thương, một số ngôi làng biết ơn sẽ dựng “tượng đài tôn vinh”. Điển hình là ngôi làng Knowlton ở Kent, nơi thập tự giá được dựng lên để khắc tên 12 người đàn ông đã chiến đấu trong chiến tranh và may mắn được trở về với gia đình. Knowlton được biết đến khi có 12 trong số 39 dân làng phục vụ chiến tranh. Vì điều này, một tờ báo tại Anh quốc đã gọi Knowlton với cái tên “ngôi làng dũng cảm”.
Mặc dù vậy, trong số những làng biết ơn, Arkholme ở Lancashire mới là nơi có số lượng nam giới phục vụ chiến tranh nhiều nhất. Tổng cộng đã có tới 59 trong số 320 người dân có mặt tại chiến trường. Và tất cả họ đều sống sót trở về.
Tại một ngôi làng khác - Catwick, thuộc East Yorkshire, 30 người đàn ông ở đây đã tham gia quân đội. Vào Thế chiến I, người thợ rèn John Hugill trong làng đúc những đồng xu may mắn dành tặng những người lính trước ngày nhập ngũ. Hầu hết trong số họ đều toàn vẹn quay về nhà. Duy nhất chỉ có một người phải bỏ lại một cánh tay nơi chiến trường.
Hai thập niên sau, khi Thế chiến II bùng nổ, người thợ rèn John Hugill lại một lần nữa chế tác những đồng xu tương tự. Thật đáng ngạc nhiên, lần này, tất cả mọi người cũng đều bình an trở về. Đây chính là một trong số ít những ngôi làng có tất cả người lính sống sót sau khi tham gia cả hai cuộc đại chiến.
|
Cháu nội của John Hugill cầm trên tay những đồng xu may mắn ngày đó. |
Vào năm 2013, Medwyn Parry và Dougie Bancroft, đã thực hiện một chuyến đi tới các ngôi làng biết ơn để tặng họ những tấm biển kỷ niệm. Họ cho biết: “Mục đích của chúng tôi là muốn có một tấm bằng công nhận cho sự đóng góp của những người lính. Chính họ đã cho chúng tôi cuộc sống như ngày hôm nay. Chúng tôi thật sự biết ơn và hãnh diện về họ“.
Không chỉ ở Anh quốc, mà tại Pháp cũng có ngôi làng biết ơn. Nhưng tại đây chỉ tồn tại duy nhất một địa điểm như thế đó là Thierville, ở Upper Normandy. Đáng chú ý, Thierville cũng không hề bị tổn thất về người trong rất nhiều cuộc chiến như Chiến tranh Pháp-Phổ, Chiến tranh Thế giới II, Chiến tranh Đông Dương thứ nhất hay Chiến tranh Algeria. Tất cả những người lính tham gia vào năm cuộc chiến này đều bình an trở về nhà.