Đi chậm 40 - 50 năm
Nhiều người hỏi công nghệ vũ trụ là gì, lợi ích cộng đồng nó mang lại ra sao, ông trả lời thế nào?
Chúng tôi rất muốn mọi người đừng nghĩ rằng công nghệ vũ trụ là chuyện quá xa xôi. Đó là những điều rất gần, rất thiết thực mà không nhiều người biết đến. Năm 1978, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm tới phát triển Công nghệ Vũ trụ. Khởi đầu là việc quyết định tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam trên tàu vũ trụ của Liên Xô, với sự tham gia của phi công Việt Nam. Đây là thời cơ tốt nhất để Việt Nam bắt đầu tiến hành một chương trình quốc gia nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình với sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô.
Ban chỉ đạo chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam lúc đó do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Chính phủ, làm Trưởng ban. Chuyến bay này được thực hiện vào năm 1980 và Phạm Tuân trở thành người đầu tiên của Việt Nam bay vào vũ trụ. Sau đó chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội để phát triển Công nghệ vũ trụ. Cho đến năm 2006, khi Chính phủ phê duyệt chiến lược nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 thì công nghệ vũ trụ mới chính thức trở thành lĩnh vực được quan tâm phát triển.
Từ đó đến nay có những biến chuyển gì?
Năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam có VINASAT 1 là vệ tinh viễn thông đầu tiên. Năm 2012 thì khởi công xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, năm 2013 phóng thành công vệ tinh viễn thám đầu tiên VNREDSat1 và cũng là lần đầu tiên có vệ tinh siêu nhỏ "made in Việt Nam" Pico Dragon hoạt động trên vũ trụ. Đó là những thành quả cơ bản nhất của ngành vũ trụ vừa qua. Hiện Dự án Trung tâm Vũ trụ cũng đang khởi động rồi.
Ở những nước có ngành công nghệ vũ trụ phát triển, xuất phát điểm của họ có bắt đầu bằng những sản phẩm tương tự?
Năm 1957, Liên Xô đã chế tạo và phóng thành công vệ tinh đầu tiên Sputnik. Đến nay, sau gần 50 năm thì họ đã có nền công nghệ tiên tiến vượt bậc. Với tôi, vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon do các kỹ sư trẻ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam vừa chế tạo và phóng thành công cũng mang ý nghĩa tương tự như vậy. Phải thừa nhận rằng Công nghệ vệ tinh của ta đi chậm khoảng 40 - 50 năm so với các nước trên thế giới. Nhưng chúng ta đã có những bước đi thành công đầu tiên, tôi tin tương lai không xa chúng ta cũng sẽ phấn đấu để có sự lớn mạnh về công nghệ giống như các nước phát triển.
|
PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. |
Ảnh vệ tinh có giá trị như dầu thô
Vệ tinh vốn là lĩnh vực khó, mà nền tảng công nghệ ở Việt Nam lại chưa tốt, thậm chí lạc hậu, hạ tầng gần như không có gì, liệu đi vào lĩnh vực này có quá mạo hiểm?
Cái này nằm trong Chiến lược phát triển Công nghệ Vệ tinh ở Việt Nam. Trước hết phải có hạ tầng cơ sở là Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ vệ tinh. Đến năm 2020 sẽ có những vệ tinh viễn thám là niềm tự hào của người Việt Nam. Tôi hay ví von ảnh vệ tinh giống như là mỏ dầu thô. Dầu thô nếu khai thác hiệu quả có thể tiêu thụ được ở khắp nơi trên thế giới.
Ông vừa nói đến dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam?
Dự án Trung tâm Vũ trụ có 3 thành phần chính là xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, cử cán bộ ra nước ngoài đào tạo, làm chủ được công nghệ vệ tinh. Trung tâm Vũ trụ đang xây dựng sẽ gồm khối nhà trung tâm điều hành, khu nghiên cứu phát triển với 13 phòng thí nghiệm khác nhau, trung tâm đào tạo, đài thiên văn... Đây là dự án vệ tinh quan sát trái đất trong mọi điều kiện, công nghệ rada phát trong mọi điều kiện thời tiết, dù ngày hay đêm, mây mù hay không vẫn chụp được ảnh.
Liệu người dân có được đến Trung tâm để xem, tìm hiểu về Công nghệ vệ tinh?
Trung tâm Vũ trụ sẽ mở cửa với mọi người, nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu khoa học, thấy khoa học vệ tinh nó gần gũi với con người. Trung tâm sẽ có các mô hình vệ tinh, các công đoạn chế tạo vệ tinh, nguyên lý hoạt động... Màn hình điều khiển vệ tinh như thế nào sẽ được hiển thị cho khách đến thăm. Tất cả các công đoạn từ chế tạo, lắp ráp đến tích hợp, thử nghiệm vệ tinh sẽ được thực hiện tại trung tâm này. Ngoài ra, còn có hội trường, thư viện, nhà ăn, trung tâm hội thảo quốc tế... Theo kế hoạch, cuối năm 2018 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trung tâm này.
Nghĩa là trung tâm còn có chức năng như một điểm tham quan khoa học?
Đúng thế, ngoài mục đích nghiên cứu, phát triển Công nghệ Vũ trụ thì còn có mục đích làm sao để xã hội hiểu về vũ trụ, trẻ em đam mê vũ trụ. Khi đó, các em sẽ có thêm đam mê và động lực để theo học ngành vũ trụ. Nhà vũ trụ, đài thiên văn, tất cả sẽ là một thế giới đầy thú vị về tự nhiên. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sau khi hoàn thành được đánh giá là hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Sẽ có những vệ tinh lớn
Nói một cách khách quan thì làm vệ tinh có khó không thưa ông?
Làm vệ tinh cũng giống như đi học thôi, lớp 1 rồi mới đến lớp 2 và các lớp cao hơn nữa. Năm 2013 chúng tôi hoàn thành Pico Dragon nặng 1kg, năm 2016 chúng tôi sẽ hoàn thành vệ tinh Nano Dragon. Vệ tinh Micro Dragon 50kg do chính tay các kỹ sư Việt Nam chế tạo với sự hỗ trợ của các giáo sư Nhật Bản cũng sẽ được làm sau đó. Cuối cùng đến năm 2020, chúng ta sẽ chế tạo thành công vệ tinh 500kg. Đây là cả một quá trình xây dựng lâu dài, làm từng bước để làm chủ công nghệ vệ tinh. Vệ tinh 500kg này sẽ đánh dấu một thành tựu lớn của nền công nghệ này ở Việt Nam.
Có vệ tinh thì ta sẽ có được những điều gì, thật thiết thực, hiện hữu như ông nói?
Ban đầu vệ tinh đảm nhiệm quản lý môi trường, tài nguyên, nông nghiệp, sau đó đến quản lý lãnh thổ, biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Riêng dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nếu làm tốt sẽ đem lại những hiệu quả tốt. Hiện nay, thiệt hại do thiên tai mỗi năm mất 1,5% GDP (khoảng 1,5 tỷ USD). Nếu ứng dụng hiệu quả công nghệ vệ tinh, thông báo sớm để phòng tránh sớm thảm họa thiên tai thì chỉ cần khắc phục được 10% thảm họa thiên tai đã là 150 triệu USD mỗi năm rồi. Đấy là lợi ích kinh tế - xã hội do vệ tinh mang lại mà chúng ta có thể nhìn thấy được.
Cụ thể cảnh báo sớm thiên tai là thế nào thưa ông?
Nếu chúng ta phải đi mua ảnh vệ tinh của nước ngoài. Phải mất khoảng 2 ngày mới có ảnh. Nhưng nếu có vệ tinh riêng thì chỉ sau 6 - 12 tiếng là chúng ta có ảnh, biết thiên tai có thể xảy ra như thế nào, vùng ảnh hưởng ra sao. Năm 2008 khi Hà Nội ngập, chắc chắn ta khó biết đầy đủ Hà Nội ngập đến đâu, diện như thế nào. Khi đó phải nhờ vệ tinh nước ngoài chụp, thì phải 2 - 3 ngày sau mới có ảnh. Nếu có vệ tinh, sau 6 tiếng là có thể giải quyết được vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đặt mục tiêu phải làm chủ công nghệ vệ tinh, phóng được vệ tinh "made in Việt Nam", ứng dụng công nghệ vũ trụ và đào tạo nguồn nhân lực. Hiện trung tâm có 80 cán bộ với tuổi trung bình là 28, 66% dưới 30 tuổi. Ngành vũ trụ đi từ đầu thì cũng phải xây dựng đội ngũ bài bản.