Báo Anh Daily Star đã điểm lại một số giả thuyết khác về nguyên nhân khiến khủng long tuyệt chủng.
Nhà côn trùng học Stanley Flanders đổ lỗi cho sâu bướm. Giả thuyết của Flanders nhắc đến việc sự xuất hiện của loài bướm làm ảnh hưởng mạnh đến thảm thực vật ở Kỷ Phấn trắng.
Không có cách nào chống lại các loài sinh vật mới, thực vật ở Kỷ Phấn trắng đã biến mất nhanh chóng. Theo nghiên cứu của Flanders với tựa đề: “Sâu bướm là nguyên nhân khiến khủng long biến mất?”, nhiều loài khủng long tiêu thụ một lượng lớn thực vật mỗi ngày.
Vậy nên khi sâu bướm xuất hiện, ăn sạch lá cây thì khủng long dần dần chết đói. Giả thuyết của Flanders nhắc đến việc số lượng sâu bướm phát triển bùng nổ, không có cách nào cản nổi.
Nhà cổ sinh vật học George Wieland đến từ Đại học Yale, Mỹ, thì cho rằng, khủng long tuyệt chủng vì trứng. Những loài khủng long đẻ trứng như Triceratop có thể thường xuyên bị những sinh vật nhỏ bé hơn cướp mất trứng vì đây là nguồn dinh dưỡng dồi dào.
|
Khủng long được tin là tuyệt chủng do thảm họa thiên thạch. |
Khủng long to lớn có tốc độ phát triển chậm, cần nhiều thời gian để sinh sôi nên khi bị cướp mất trứng thì chúng không có cách nào để cải thiện được số lượng.
Nhà cổ sinh vật học người Hungary, Baron Franz Nopcsa von Felső-Szilvás thì nhắc đến việc khủng long gặp phải tình trạng như gấu trúc ngày nay, tức là không còn hứng thú quan hệ. Số lượng khủng long từ đó giảm sút đến mức không còn có thể phục hồi.
Cuối cùng, một bộ phim tài liệu trên kênh History Channel đặt ra giả thuyết khủng long là sản phẩm thí nghiệm của người ngoài hành tinh. Đến một giai đoạn, người ngoài hành tinh cảm thấy chán ngán với loài sinh vật khổng lồ nhưng ngu ngốc này nên đã ra tay tàn sát tất cả.