Một số nhà thiên văn của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã sử dụng dữ liệu từ kính thiên văn không gian Hubble và phát hiện ra 2 hành tinh xoay quanh ngôi sao Trappist-1, một sao lùn siêu lạnh cách trái đất khoảng 39 năm ánh sáng. Đặc biệt, 2 hành tinh này đều nằm trong vùng Goldilocks - khu vực có khoảng cách đến sao chủ là vừa đủ để xuất hiện nước dạng lỏng.
Phát hiện này đã từng được tiết lộ vào tháng 5, nhưng đến hiện nay, nó mới được công bố chính thức trên tạp chí Nature. Các nhà thiên văn đã tuyên bố rằng các ngoại hành tinh này là hành tinh rắn giống như sao Hảo, sao Kim và Trái đất chứ nó không phải là hành tinh khí như sao Mộc và sao Thổ.
|
Ấn tượng của một nghệ sĩ về bề mặt của một trong những hành tinh mới được tìm thấy (Ảnh: ESO / M. Kornmesser) |
Tiến sĩ Julien de Wit, một trong những nhà nghiên cứu thuộc viện MIT cho biết “Đây là những hành tinh đầu tiên xuất hiện đủ cả 3 yếu tố quan trọng mà chúng ta vẫn tìm kiếm bấy lâu nay. Thứ nhất, nó có kích cỡ giống Trái đất. Hai, nhiệt độ trên các hành tinh này vừa đủ để duy trì nước ở dạng lỏng. Ba, các hành tinh này có khoảng cách tương đối gần để nghiên cứu. Đó là lý do vì sao hai ngoại hành tinh mới này thực sự quý giá. Chúng tôi hy vọng có thể phát hiện thêm nhiều thông tin về chúng”.
Theo tiến sĩ Wit, các nhà thiên văn hoàn toàn có thể tìm hiểu thêm về các hành tinh này thông qua kính viễn vọng không gian James Webb dự định sẽ được đưa vào khởi động năm 2018. “Trong vòng 10 năm, chúng tôi sẽ kiểm tra liệu 2 hành tinh đó để xem chúng có nhiệt độ tương xứng với Trái đất hay không. Và tiếp đó, chúng tôi sẽ tiến hành tìm kiếm dấu vết của khí – yếu tố chỉ có thể được sản xuất ở nơi có sự sống. Từ đó, chúng tôi có thể sẽ phát hiện được sự sống người ngoài hành tinh”, tiến sĩ Wit cho biết.
Tuy nhiên, tiến sĩ de Wit cảnh báo rằng sẽ rất khó khăn để đánh giá mức độ thông minh của bất kỳ sự sống trên các hành tinh.