1. Anonymous: Nhóm hacker nguy hiểm nhất hành tinh với mặt nạ vô danh
Anonymous (vô danh) được coi là nhóm hacker nguy hiểm nhất hành tinh, hoạt động trên khắp thế giới, nhưng họ rất ít khi để lại dấu vết vì mối liên kết lỏng lẻo giữa các thành viên và tính vô danh của họ.
|
Anonymous được coi là nhóm hacker nguy hiểm nhất hành tinh. |
Thành viên của Anonymous đến từ những cộng đồng khác nhau, có những bản sắc khác nhau, nhưng thân thế đều được giữ kín. Vì thế, họ có thể tránh khỏi những cáo buộc của giới chính quyền, dù một vài thành viên đã bị bắt giữ vì cáo buộc vi phạm pháp luật. Sở dĩ họ chọn cách sống ẩn danh vì không muốn những hành vi họ thực hiện trên thế giới ảo gây ảnh hưởng tới đời thực.
Nhóm Anonymous từng bị đánh giá là một tổ chức khủng bố và phá hoại, thậm chí từng bị liệt vào danh sách những phần tử cần bị bắt giữ. Tuy nhiên, họ thường tấn công mạng khiến các trang web bị tê liệt trong một thời gian ngắn và những dữ liệu thu thập được không bị tiết lộ cho mục đích tống tiền hoặc thu lợi bất chính.
Thông thường, Anonymous thường tấn công các cơ quan, doanh nghiệp để truyền đi thông điệp, quan điểm của họ và luôn đứng ra nhận trách nhiệm về mình. Những vụ tấn công của nhóm thường gây ra nhiều tranh cãi, nhưng trong một số trường hợp, họ được ví như anh hùng Robin Hood của thời đại công nghệ vì có họ mà những vụ bê bối được lôi ra ngoài ánh sáng.
Cách thức tấn công của Anonymous là tấn công từ chối dịch vụ DdoS, khiến hệ thống quá tải và yêu cầu phải nạp một loạt yêu cầu thông tin mà hệ thống không thể đáp ứng. Hệ thống thông thường sẽ ngừng hoạt động tới khi được khắc phục hoặc khi Anonymous ngừng tấn công.
2. LulzSec: Thách thức cả CIA
|
LulzSec là một nhánh tách ra từ Anonymous. |
Năm 2011, sau vụ tấn công mạng công ty bảo mật HBGarry Hack, một số thành viên của Anonymous đã tách ra và nhập nhóm Lulz Security, viết tắt là LulzSec.
Nhóm này đã từng tấn công hệ thống thông tin của Fox.com và hãng Sony Pictures và thậm chí đánh sập website của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Năm 2012, người đứng đầu của nhóm, Hector Monsegur, có mật danh Sabu, đã bị Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ. Nhân vật này đã khai ra toàn bộ số thành viên còn lại của nhóm và tất cả đã bị bắt sau đó.
3. “Thằn lằn” Lizard Squad: Sony và Microsoft cũng kiêng dè
|
Lizard Squad đã từng đánh sập mạng lưới game online của Sony và Microsoft. |
Nổi tiếng không thua kém Anonymous là nhóm hacker mang tên Lizard Squad. Nhóm này từng đăng cờ IS lên trang web của Sony và đánh sập mạng lưới game online của hai trò chơi nổi tiếng Play Station và Xbox của hãng Sony và Microsoft.
Một “chiến tích” đáng nhớ khác của Lizard Squad là vụ tấn công website của hãng hàng không Malaysia Airlines khiến hãng này phải lao đao. Sau khi trang web bị tấn công, người truy cập bị chuyển hướng tới một trang có nội dung: “404 – plane not found” (không tìm thấy máy bay).
Nhóm này cũng từng tuyên bố là thủ phạm của vụ tấn công Facebook, Instagram và Tinder, những trang mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Sau những vụ tấn công trên, một số thành viên của Lizard Squad đã bị nhà chức trách Anh và Mỹ bắt giữ.
4. Syrian Electronic Army (SEA): Bí ẩn vai trò thực sự
Nhóm hacker Quân đội điện tử Syria (SEA) nổi tiếng vào giai đoạn những năm 2011, được cho là lập ra để hỗ trợ quân Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad, chống lại những phe nổi dậy. Nhóm này chủ yếu tấn công vào trang web của các đối tượng, đăng hình lá cờ của Syria thông qua kỹ thuật tấn công DdoS, gửi thư rác và phần mềm độc hại.
Nhóm này cũng từng tấn công nhiều tài khoản của những nhân vật tầm cỡ như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hay cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, những người có tư tưởng muốn lật đổ ông Assad. Bên cạnh đó, nhóm còn tấn công những hãng tin lớn như New York Times, Washington Post... vì đưa tin bất lợi cho chính phủ Syria.
Thêm vào đó, nhóm SEA cũng từng tấn công vào hệ thống của hãng thông tấn AP và đăng tin khẳng định đã xảy ra một vụ nổ tại Nhà Trắng khiến cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bị thương hồi năm 2013.
Nhóm hacker này cũng từng tấn công vào trang web và một số tài khoản email cá nhân của các nhân viên Microsoft và phát tán một số nội dung nội bộ. Ngoài ra, nhóm này cũng từng tấn công Bộ Tư lệnh quân sự Mỹ (CENTCOM), cụ thể là kho dữ liệu Army Knowledge Online (AKO) chuyên cung cấp thông tin doanh nghiệp cho quân đội Mỹ và Bộ Quốc phòng.
5. Chaos Computer Club (CCC): Anh hùng Robin Hood?
Chaos Computer Club (CCC) là liên minh hacker lớn nhất và lâu đời nhất của châu Âu, được thành lập tại thủ đô Berlin, Đức vào những năm 1980. CCC tự định vị là nhóm hacker mũ trắng (hoạt động có mục đích tốt), chuyên tìm ra lỗ hổng an ninh của hệ thống mạng thuộc các cơ quan chính phủ và phi Chính phủ.
Nhóm hacker CCC từng lấy 134.000 đồng mác Đức từ ngân hàng Hamberg và sau đó hoàn trả lại toàn bộ số tiền nhằm cảnh báo về lỗ hổng trong hệ thống an ninh của trang giao dịch ngân hàng. Nhưng họ đã từng bị kết tội bán những dữ liệu về lỗ hổng tìm được trong vụ việc trên cho công ty thuộc Mỹ cùng mã nguồn của chính phủ cho Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB).