Giải mã kế hoạch tham vọng cứu Trái đất của tỷ phú Bill Gates

Google News

Tỷ phú người Mỹ Bill Gates muốn xịt hàng triệu tấn bụi vào tầng bình lưu để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, một số người cho rằng làm như vậy có thể kích hoạt một thảm họa khác.

Kế hoạch tham vọng
Kế hoạch nghe có vẻ như bước ra từ phim khoa học viễn tưởng, nhưng có thể trở thành hiện thực trong vòng 10 năm nữa. Theo kế hoạch, hàng ngày, hơn 800 máy bay khổng lồ sẽ chở hàng triệu tấn bụi phấn lên độ cao hơn 19km so với bề mặt Trái Đất và sau đó rắc xuống tầng bình lưu.
Về mặt lý thuyết, bụi trong không khí sẽ tạo ra một cái ô khổng lồ, phản chiếu một số tia nắng và nhiệt từ Mặt Trời vào vũ trụ, làm mờ những tia nắng và giảm độ nóng xuyên qua lớp bụi. Do đó, nó có thể bảo vệ Trái Đất khỏi sự tàn khốc ngày càng tồi tệ của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Đây không phải là một kế hoạch lập dị của một nhà sáng chế tại gia. Dự án này đang được tỷ phú và sáng lập viên Microsoft Bill Gates tài trợ dựa trên ý tưởng tiên phong của các nhà khoa học Đại học Harvard.
Trong thực tế, kế hoạch này đã tiến triển nhanh tới mức các thí nghiệm che bầu trời ban đầu được dự định thực hiện cách đây vài tháng. Thử nghiệm đầu tiên trị giá 3 triệu USD có tên là Thử nghiệm Nhiễu loạn có kiểm soát trên tầng bình lưu (SCoPEx).
Giai ma ke hoach tham vong cuu Trai dat cua ty phu Bill Gates
Hình vẽ khinh khí cầu làm nhiệm vụ rắc bụi trên tầng bình lưu. 
Trong thí nghiệm, các nhà khoa học định dùng một khinh khí cầu khoa học cho bay lên độ cao lớn. Khinh khí cầu mang theo 2kg bụi canxi cacbonate (to bằng một túi bột mỳ) vào khí quyển cách mặt đất hơn 19km ở phía trên sa mạc New Mexico.
Lượng bụi này sẽ được rắc trên một khu vực bầu trời hình ống dài 0,8km, bán kính 91m. Trong 24 giờ tiếp theo, khinh khí cầu sẽ được cánh quạt điều khiển bay xuống, xuyên qua lớp mây nhân tạo này. Các cảm biến trên khinh khí cầu giám sát cả khả năng phản chiếu ánh Mặt Trời của bụi và hiệu quả của bụi với lớp không khí mỏng xung quanh.
Tuy nhiên, SCoPEx bị trì hoãn thực hiện do lo ngại có thể kích hoạt một loạt phản ứng dây chuyền thảm họa, gây ra sự tàn phá khí hậu dưới dạng khô hạn và bão nghiêm trọng, khiến hàng triệu người chết trên thế giới.
Một trong những giám đốc của nhóm nhà khoa học Harvard, ông Lizzie Burns, thừa nhận: "Ý tưởng của chúng tôi rất đáng sợ, nhưng biến đổi khí hậu cũng đáng sợ như vậy".
Một ủy ban cố vấn gồm các chuyên gia độc lập sẽ đánh giá mọi rủi ro có thể xảy ra sau khi thực hiện thử nghiệm này.
Những rủi ro khó lường
Vậy ý tưởng rắc bụi che ánh Mặt Trời xuất phát từ đâu? Ý tưởng này lấy cảm hứng từ một thảm họa thiên nhiên. Khi núi lửa Pinatubo ở Philippines phun trào năm 1991, nó đã giết chết hơn 700 người và khiến hơn 200.000 người mất nhà cửa. Tuy nhiên, đợt phun trào cũng cho các nhà khoa học cơ hội giám sát tác động của một đám mây hóa học rộng lớn trên tầng bình lưu.
Quy trình rắc bụi trên tầng bình lưu.
Núi lửa Pinatubo đã phun ra 20 triệu tấn sulphur dioxide lên trên cao. Tại độ cao đó, nó tạo thành các giọt axit sulfuric trôi khắp Trái Đất trong hơn một năm. Những giọt này như những chiếc gương tí hon phản chiếu ánh sáng Mặt Trời. Sau đó, nhiệt độ toàn cầu giảm 0,5 độ C trong khoảng một năm rưỡi.
Sự kiện này khiến các nhà khoa học nảy ra ý tưởng về một giấc mơ "sửa chữa" tình trạng ấm lên toàn cầu và là chủ đề của ít nhất 100 nghiên cứu học thuật. Tuy nhiên, tạo một chiếc ô khổng lồ cho Trái Đất có thể phải trả một cái giá rất đắt, đặt ra những rủi ro thậm chí còn lớn hơn là biến đổi khí hậu.
Một nỗi sợ đó là rắc bụi vào tầng bình lưu có thể hủy hoại tầng ozon bảo vệ chúng ta khỏi bức xạ cực tím nguy hiểm, từ đó ADN con người sẽ bị hủy hoại và mắc bệnh ung thư.
Các nhà khí hậu học cũng lo ngại đám mây đó có thể vô tình làm gián đoạn quá trình lưu thông dòng chảy đại dương vốn điều hòa thời tiết. Việc này có thể kích hoạt một loạt sự kiện khí hậu cực đoan trên toàn cầu, có thể hủy hoại đất nông nghiệp, quét sạch toàn bộ các loài vật và gây ra bệnh dịch tràn lan.
Thảm họa thậm chí sẽ không chỉ dừng tại đó. Cố gắng che bớt ánh Mặt Trời sẽ có thể tạo ra người thắng, kẻ thua trong vấn đề khí hậu.
Các nhà khoa học có thể thiết lập điều kiện khí hậu hoàn hảo cho nông dân ở vùng Trung Tây rộng lớn tại Mỹ. Nhưng cùng lúc, việc thiết lập này có thể gây hạn hán kinh hoàng khắp châu Phi. Lý do là vì không thể nào thay đổi nhiệt độ ở một phần thế giới mà không ảnh hưởng đến phần còn lại. Mọi thứ trong khí hậu trên thế giới đều liên kết với nhau.
Ngoài ra, thay đổi nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ thay đổi phương thức phân phối nhiệt khắp Trái Đất, khiến một số nơi nóng hơn những nơi khác. Từ đó, lượng mưa sẽ bị ảnh hưởng. Nhiệt đẩy nhanh vòng tuần hoàn nước, tức là quá trình nước bốc hơi, tạo mây và gây mưa. Cứ thay đổi nhiệt là sẽ gây ra thay đổi lượng mưa tương ứng. Nhưng thay đổi ở đâu và như thế nào?
Công nghệ này thậm chí có thể kích hoạt chiến tranh kinh hoàng vì "sửa chữa" khí hậu có thể đẩy hiểm họa xung đột vũ trang và hoài nghi quốc tế lên cao. Còn một vấn đề nữa khủng khiếp hơn. Công nghệ dùng trong thay đổi khí hậu rất rẻ tiền, có thể chưa tốn tới 10 tỷ USD/năm. Điều này có nghĩa là một quốc gia đơn lẻ có thể sử dụng theo ý đồ riêng, có lẽ là làm vũ khí chiến tranh hoặc tống tiền.
Các nhà chỉ trích cho rằng cam kết về chiếc ô trên tầng bình lưu có thể khuyến khích chính trị gia và các nhà công nghiệp cho rằng cần cố gắng để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông Mike Hulme, giáo sư Đại học Cambridge về địa lý con người, nói rằng chúng ta có thể lại phải phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ để bù đắp lại hậu quả về khí hậu mà các ngành công nghiệp đang gây ra.
Ông gọi vấn đề này là "món nợ nhiệt độ" vì nó như một món nợ thẻ tín dụng tích tụ lại mà không bao giờ có thể trả hết. Giáo sư Hulme cảnh báo: "Nó là một canh bạc lớn. Thà không tạo ra món nợ này ngay từ đầu còn hơn".
Theo CAND

>> xem thêm

Bình luận(0)