Nhờ sự xuất hiện rộng rãi trong nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, chuyện Thánh Moses (trong tiếng Việt là Mô-sê hoặc Môi-se) dùng phép tách đôi biển Đỏ trở nên phổ biến và được nhiều người biết tới. Theo sử thi "10 điều răn dạy của Chúa", hàng ngàn năm trước, những người nô lệ Do Thái oằn lưng xây lâu đài cho người Ai Cập. Để đề phòng những cuộc nổi loạn trong tương lai, Pharaoh Ai Cập Seti I ra lệnh ném các bé trai Do Thái xuống sông Nile cho cá sấu ăn thịt. Không đành lòng nhìn con mình rơi vào kết cục thảm thương ấy, một người mẹ đã lén bỏ con trai mình vào chiếc giỏ rồi thả trôi sông, phó mặc số phận đứa bé cho Chúa.
Chiếc giỏ cứ thế trôi vào hoàng cung và may mắn được hoàng hậu nhận nuôi, đặt tên đứa bé là Moses. Chàng lớn lên trong hạnh phúc và nhung lụa bên cạnh người anh trai dòng dõi hoàng tộc là hoàng tử Rameses II. Một ngày nọ, sau khi ra tay giết chết một quản nô người Ai Cập để cứu một nô lệ Do Thái, Moses buộc phải chạy trốn, lang thang trên hoang mạc và sống cuộc đời của một người chăn cừu. Vào một ngày khi dẫn bầy cừu lên núi, Moses được Thiên Chúa Jehovah kêu gọi trở về Ai Cập với sứ mạng giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ suốt trăm năm. Từ đó, cuộc chiến giữa Moses với anh trai, Pharaoh Rameses II bắt đầu. Trước sự truy đuổi gắt gao của vị Pharaoh, người Do Thái đã chạy đến biển Đỏ mà vẫn bị bắt kịp. Tình thế nguy nan, Moses buộc phải sử dụng đến cây gậy phép, chia đôi và mở đường giữa biển để cứu thoát những người Do Thái.
Sự kiện này được nhắc đến trong nhiều ghi chép, như một quyền năng của Thiên Chúa thể hiện thông qua nhân vật Moses. Trong khi hiện tượng “biển chia đôi” ở một vài truyện cổ khác lại cho thấy mong ước đi qua biển mà không phải dùng thuyền của người xưa. Những tưởng phép màu nhiệm này chỉ tồn tại trong thế giới hư cấu nhưng điều kỳ lạ là trước đây, các nhà hải dương học đã tìm thấy rất nhiều xe, xương ngựa và xương người dưới biển Đỏ. Một trong nhiều hài cốt bị khoáng hóa được tìm thấy tại nơi vượt biển đã được ngành xương học của trường đại học Stockholm xét nghiệm và chứng minh là xương đùi phải của một người đàn ông cao khoảng 165-170cm. Bởi vậy, có giả thuyết cho rằng đây là dấu hiệu vượt biển bằng đường mòn của người xưa hoặc có thể chính là đội quân của Pharaoh bị chết đuối dưới biển khi đuổi theo đoàn người Do Thái.
Con đường kỳ bí ở Hàn Quốc
Một con đường nhỏ nối liền hai đảo của Hàn Quốc có khả năng “tự mình” lộ ra giữa biển khơi. Cụ thể, cứ vào cuối tháng Hai và giữa tháng Sáu, một con đường dài khoảng 2,9km và rộng từ 10 đến 40m lại xuất hiện, chia đôi vùng biển Jindo, nối liền đảo chính Jindo và đảo nhỏ Modo ở quốc gia này. Điều kỳ diệu là người dân và du khách có thể đi bộ dọc theo con đường này mà không phải lo sợ biển "khép" lại hay cuốn trôi. Con đường này tồn tại trong khoảng 1 giờ trước khi bị nước biển nhấn chìm.
Mặc dù, hiện tượng thiên nhiên độc nhất vô nhị này năm nào cũng diễn ra nhưng mãi đến năm 1975 nó mới được toàn thế giới biết đến khi vị đại sứ Pháp Pierre Randi mô tả trên một tờ báo. Trong một lần đi dạo, ông bất ngờ nhìn thấy có điều gì đó rất kỳ lạ trên mặt biển, như thể nó vừa được tách làm hai. "Biển có các cơn chấn động mạnh như sắp sửa có một trận sóng thần sắp xảy ra. Khi đó, mặt đất gần bờ biển rung chuyển. Tôi cảm giác mặt biển dần nứt ra. Tôi không tin vào mắt mình, mặt biển bắt đầu tách làm đôi, để lộ ra một con đường mòn khá rộng, mọi rung lắc trước đó cũng đã ngừng lại", ông viết.
Bài báo này đã tạo ra rất nhiều phản hồi trái chiều khi đó. Một nhà khoa học của Pháp đã cất công sang Hàn Quốc, ghi chép lại mọi sự thay đổi của vùng biển Jindo nhằm "đánh bại" câu chuyện không có cơ sở của vị đại sứ Pháp nhưng rồi sau gần năm trời chờ đợi, ông đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng "biển chia đôi".
|
Con đường “chia đôi” biển, nối liền hai đảo Jindo và Modo ở Hàn Quốc. |
Hằng năm, người dân địa phương đều tổ chức lễ hội chào đón sự kiện kỳ thú này và coi đây như một phần cuộc sống của họ. Nhiều người tin rằng nguyên nhân làm biển chia đôi xuất phát từ một truyền thuyết xa xưa: Bấy giờ, trên đảo Jindo có rất nhiều hổ dữ. Chúng thường xuyên xuất hiện tàn phá làng mạc, giết hại dân lành khiến mọi người phải di cư sang đảo Modo. Nhưng rồi cây cầu nối liền hai đảo cũng bị bầy hổ phá nát. Trên đảo Jindo lúc này chỉ còn lại một bà lão già yếu tên Bbong và một bầy trẻ nhỏ.
Trong cơn tuyệt vọng, cụ bèn cầu nguyện thần Biển đến lạc cả giọng, tay vẫn không rời bọn trẻ. Cảm động về tình người của cụ, thần Biển đã báo mộng và nói rằng sẽ thiết lập một con đường trên biển để bà có thể đi qua đảo bên kia. Sáng hôm sau thức dậy, vùng biển Jindo bị chia làm hai, cụ và bọn trẻ đi bộ dọc theo con đường này sang đảo Modo. Đi đến đâu, biển liền đóng lại sau lưng, giúp họ thoát khỏi bầy hổ dữ.
Lý giải khoa học đằng sau “phép thuật”
Một thí nghiệm mô phỏng bằng máy tính thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của trung tâm Khí học Quốc gia và đại học Colorado (Mỹ) đã cho thấy việc nước tách làm đôi ở biển Đỏ hoàn toàn có thể xảy ra. Sự chuyển động của dòng chảy là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này. Theo giả thuyết của Carl Drews - người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, gió đã làm nước chuyển động theo cơ chế vật lý nhất định, từ đó mở ra một hành lang an toàn cho người Do Thái. Sau đó, nước trở lại vị trí ban đầu và trùng hợp thay, nó xảy ra đúng thời điểm tảng sáng để nhấn chìm quân Ai Cập.
Được biết, sức gió 100km/h trong thí nghiệm mô phỏng có thể “tách” mặt nước, tạo ra một con đường “tạm thời” với chiều ngang 5km suốt 4 giờ đồng hồ và đây là yếu tố cần thiết để hàng trăm ngàn người Do Thái chạy qua quãng đường dài khoảng 4 cây số để bước sang bờ bên kia.
Đối với hiện tượng kỳ lạ xảy ra ở biển Jindo, các nhà khoa học cho rằng đây là kết quả của thủy triều xuống cực thấp do nhiều yếu tố gây ra, tờ National Geographic đưa tin. Như đã biết, lực hấp dẫn của Mặt trời và Mặt trăng lên mỗi vị trí trên bề mặt Trái đất đã tạo nên thủy triều - sự dao động lên xuống của mực nước biển.
Ở một số địa điểm trên thế giới, khi thủy triều xuống thấp nhất sẽ để lộ ra một dải đất dưới đáy biển, tạo thành một con đường trong vài giờ, trước khi thủy triều lên và nhấn chìm tất cả. Dù vậy, theo Kevan Moffett, một trợ lý giáo sư địa chất tại đại học Texas, các vị trí tương ứng của Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất chỉ là một trong nhiều yếu tố gây ra sự chia cắt hàng năm ở biển Jindo.
Được biết, dòng nước giữa các đảo tương đối ôn hòa nên trầm tích đã quy tụ, lắng đọng tạo thành con đường dưới biển. Moffett cũng dự đoán rằng, miễn là hình dạng và vị trí của các đảo và eo biển Myeongnyang ở phía đông của Jindo — kiểm soát phạm vi thủy triều - vẫn như cũ, việc “chia tách biển” sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai với tần suất 2 lần/năm.