Giải mã gen người Việt để cải tạo giống nòi

Google News

Qua việc đọc gen người có thể tìm ra các gen tốt để cải tạo giống nòi, giúp phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh dễ mắc phải...

- Qua việc đọc gen người có thể tìm ra các gen tốt để cải tạo giống nòi, đồng thời giúp phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh dễ mắc phải của người được đọc gen.

Điều trị bệnh, phát hiện tài năng

Bộ KH&CN vừa làm việc với Viện KH&CN về Dự án khả thi giải mã trình tự và phân tích bộ gen người Việt Nam.

PGS.TS Nông Văn Hải, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học cho biết: Đến nay, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về gene thuộc Viện Công nghệ Sinh học đã giải mã được 16.000 gen ty thể của 9 cá thể thuộc 3 dân tộc Kinh, Tày, Mường và tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu về hệ trình tự gen người Việt Nam.
 
Giải mã hệ gen không chỉ giúp phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh mà còn tìm kiếm được các gen tốt nhằm cải tạo giống nòi.

PGS.TS Nông Văn Hải cũng cho biết, kết quả nghiên cứu từ các dự án, chương trình cho thấy, các chủng tộc, các cá thể người giống nhau đến 99,9% và chỉ khác nhau về một tỷ lệ rất nhỏ (0,1%) về cấu trúc hệ gen.
 
Tuy nhiên, phần khác biệt rất nhỏ này lại có ý nghĩa quyết định đối với đặc điểm nhân chủng học, sức khoẻ giống nòi của cả một dân tộc; là yếu tố di truyền liên quan đến sức khoẻ của mỗi cá thể.

"Việc giải mã, so sánh toàn bộ hệ gen biểu hiện (exome) của một số người mắc các bệnh như  bệnh di truyền, bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch... ở Việt Nam giúp phát hiện các chỉ thị phân tử cho chẩn đoán và điều trị bệnh.
 
Bên cạnh đó, giải mã hệ gen của các cá thể có thể trạng tốt, tuổi thọ cao (trên 100 tuổi), các tài năng đặc biệt về thể thao, toán học, âm nhạc, khoa học, quản lý... sẽ tìm kiếm được các gen có liên quan nhằm cải tạo giống nòi", PGS.TS Nông Văn Hải cho biết.
Giải mã gen giúp tìm kiếm chọn lọc các gen tốt nhằm cải tạo giống nòi.
Giải mã gen giúp tìm kiếm chọn lọc các gen tốt nhằm cải tạo giống nòi.

Chưa thể kết luận đặc điểm chung của gen người Việt

PGS.TS Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học cho hay, trong nghiên cứu sinh học, nhiều khi bộ gen không khác nhau nhiều nhưng sự thể hiện mạnh, yếu ở mặt nào thì lại do môi trường sống.
 
Ví dụ, với 1.000 gen thì cả 1.000 gen không phải lúc nào cũng biểu hiện hết ra mà có lúc chỉ có 150 gen, có lúc chỉ thể hiện 100 gen... Số lượng gen thể hiện lại phụ thuộc vào môi trường và việc các gen đó phối hợp với nhau như thế nào.

Việc chỉ thể hiện ở một trạng thái nhất định trong gen, biểu hiện sẽ khác với trạng thái mà có 150 gen thể hiện. Cái khác đó lại do điều kiện quyết định. Điều kiện sẽ quyết định gen gì biểu hiện tại thời điểm đó.
 
Ví dụ, một người ở Việt Nam làm một công việc nào đó ổn định trong nước nhưng khi ra nước ngoài trong một điều kiện sống khác, luật khác... thì người đó sẽ có thể hiện mới phù hợp với điều kiện bên ngoài. Môi trường bên ngoài như thế nào để các gen bên trong thể hiện, là hai quan hệ mật thiết.
 
Vì thế, đặc điểm của người phương Đông hay phương Tây chỉ là sự biểu hiện các gen khác nhau chứ không phải là sự khác nhau về gen.

Hiện Viện Công nghệ Sinh học đã nghiên cứu xong bộ gen ty thể của 54 chủng tộc người Việt Nam. Đó là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về bộ gen người Việt.
 
Tuy nhiên, PGS.TS Trương Nam Hải cũng cho biết, nghiên cứu trong nước về gen người Việt chưa nhiều và chưa có hệ thống nên thời điểm này chưa thể nói được đặc điểm chung của gen người Việt Nam.
 
Trên thế giới, họ phải nghiên cứu tổng thể trước về bộ gen rồi mới đưa ra được những đặc điểm chung. Sau khi nghiên cứu giải  mã gen người xong thì người ta phát hiện có một số thay đổi về mặt di truyền, nó cũng phụ thuộc vào từng chủng tộc người. Những sự khác nhau đó liên quan đến một số bệnh, mà ở chủng tộc người này bị mắc nhiều hơn ở chủng tộc người khác.

"Để hiểu được đặc điểm di truyền bộ gen người Việt thì mục tiêu đưa ra có tính định hướng đến 2020, nếu được đầu tư thoả đáng và làm gấp rút thì khoảng 4,5 năm nữa sẽ có câu trả lời. Tổng số tiền cho trang thiết bị là khoảng 20 - 30 triệu USD; sau đó là đầu tư cho trang thiết bị hoá chất, vật tư, con người", PGS.TS Trương Nam Hải cho biết.
Hệ gen hay còn gọi là bộ gen (tập hợp toàn bộ các gen) của người có một cấu trúc hết sức tinh vi và phức tạo bao gồm 2 thành phần. Hệ gen nhân (tế bào) kích thước khoảng 3,2 tỷ đơn vị chiều dài, được gọi là nucleotide hoặc cặp bazơ (bp) và hệ gen ty thể chứa gần 16.500 cặp bazơ (ở người). Việc giải mã đầy đủ trình tự gen người Việt Nam sẽ phục vụ hữu ích trong các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác, giúp phát triển kinh tế - xã hội, tăng khả năng chăm sóc sức khoẻ con người...
Tô Hội

Bình luận(0)