Ông Clegg, người từng giữ chức Phó Thủ tướng Anh (2010-2015), cho rằng không chỉ các công ty tư nhân lớn nhỏ phải tuân thủ các quy định, mà các chính trị gia cũng cần làm như vậy. Bên cạnh đó, ông thừa nhận sự cần thiết phải đưa ra những quy tắc mới đối với các vấn đề như dữ liệu cá nhân hay bầu cử, trong khi những công ty như Facebook cần đóng một "vai trò nghiên túc" trong việc ủng hộ các quy định.
Đề cập tới cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, ông Clegg khẳng định "hoàn toàn không có bằng chứng" cho thấy các lực lượng bên ngoài lợi dụng Facebook để tác động tới kết quả bỏ phiếu.
|
Phó Chủ tịch Facebook Nick Clegg. (Ảnh: Getty)
|
Theo ông Clegg, mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã cho chạy 2 chương trình phân tích đầy đủ về cuộc trưng cầu ý dân về Brexit cách đây 3 năm và không phát hiện bằng chứng nào cho thấy các thế lực bên ngoài tìm cách gây ảnh hưởng đối với kết quả.
Ông Clegg, một người có quan điểm ủng hộ Anh ở lại EU, nhấn mạnh cội nguồn của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu tại Anh vốn đã tồn tại rất lâu trước khi có Facebook.
Hiện mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang đối diện với nhiều vấn đề như lan truyền tin tức giả mạo, các bài viết thù địch hoặc nguy cơ châm ngòi cho các vụ bạo lực. Thời gian qua, Facebook đã tuyển thêm hàng nghìn nhân viên để rà soát các bài viết, tranh ảnh, bình luận và video bị nghi có những yếu tố bạo lực.
Facebook cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng tính bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng, đảm bảo tính minh bạch đối với những quảng cáo liên quan đến các chiến dịch chính trị. Tuy nhiên, một số người vẫn hoài nghi rằng Facebook có thể đang "câu giờ" trong bối cảnh Mỹ và nhiều nơi khác đang kêu gọi siết chặt quy định đối với các tập đoàn công nghệ lớn.