Dự án năng lượng của tiến sĩ gốc Việt nhận tài trợ khủng từ Mỹ

Google News

Dự án của nữ tiến sĩ gốc Việt Nga Nguyen thuộc Khoa Kỹ thuật điện và khoa học máy tính, Đại học Wyoming (UW, Mỹ) vừa nhận được khoản tài trợ 503.459 USD (hơn 12 tỉ đồng) từ Bộ Năng lượng Mỹ.

Dự án "lọt mắt xanh" Bộ Năng lượng Mỹ 
Theo trang web của Đại học Wyoming, Bộ Năng lượng Mỹ thông qua khoản tài trợ 503.459 USD (hơn 12 tỉ đồng) cho dự án “Sự vận hành tối ưu của các hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn để cải thiện độ tin cậy của hệ thống điện sạch sử dụng máy học” của nữ tiến sĩ gốc Việt Nga Nguyen. Bà hiện công tác tại Khoa Kỹ thuật điện và khoa học máy tính của Đại học Wyoming.
Trong nhiều năm qua, các chuyên gia năng lượng cho rằng, năng lượng tái tạo đã bắt đầu chạm tới mọi ngóc ngách của cuộc sống. Ví dụ điển hình cho xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo là sự xuất hiện của các tấm năng lượng mặt trời trên các mái nhà hay nhu cầu sử dụng xe điện tại các quốc gia ngày càng gia tăng.
Du an nang luong cua tien si goc Viet nhan tai tro khung tu My
Theo nhận định của giới khoa học, năng lượng tái tạo sẽ ngày càng phổ biến trong cuộc sống con người. 
Tuy nhiên, giới khoa học cũng nhận định, việc tích hợp nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo và xe điện (EV) cũng sẽ gia tăng thách thức vận hành cho lưới điện. Xuất phát từ thực tế này, tiến sĩ Nguyen hy vọng dự án của bà có thể giải quyết những thách thức vận hành trên.
Du an nang luong cua tien si goc Viet nhan tai tro khung tu My-Hinh-2
Tiến sĩ Nga Nguyen. 
Dự án của tiến sĩ Nga Nguyen đề xuất tạo ra các chiến lược vận hành và kiểm soát tiên tiến cho các hệ thống lưu trữ năng lượng nhằm tối đa hóa độ tin cậy của hệ thống có hạn chế về ổn định, đồng thời tạo điều kiện cho việc tích hợp cao hơn của các nguồn năng lượng tái tạo và EV.
“Nghiên cứu được đề xuất sẽ có những tác động đáng kể đến hoạt động của lưới điện hiện đại, với các mục tiêu mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội”, tiến sĩ Nga Nguyen cho biết.
Những lợi ích mà tiến sĩ Nga Nguyen đề cập đến gồm: nâng cao nhận thức của cộng đồng về yêu cầu các nguồn năng lượng tái tạo/hệ thống năng lượng tích hợp EV phải đủ ổn định và có khả năng phục hồi, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường; tạo điều kiện công bằng xã hội bằng cách tăng cường sản xuất điện với chất lượng điện cao cho nhiều khách hàng hơn; thúc đẩy môi trường trong sạch bằng cách tăng tích hợp sản xuất năng lượng sạch thông qua các nguồn năng lượng tái tạo và việc sử dụng EV. 
Nữ tiến sĩ gốc Việt cho rằng những lợi ích đó sẽ tạo điều kiện giảm thiểu sự phụ thuộc của lưới điện vào nhiên liệu hóa thạch. Đánh giá cao tính hữu dụng và cấp thiết của dự án, Bộ Năng lượng Mỹ đã quyết định tài trợ 503.459 USD (hơn 12 tỉ đồng) cho "đứa con tinh thần" này của tiến sĩ gốc Việt Nga Nguyen. 
Từ cử nhân Bách khoa tới tiến sĩ thành danh trên đất Mỹ
Tiến sĩ Nga Nguyen trải qua chặng đường học tập, nghiên cứu nhiều năm cả trong và ngoài nước. Vào năm 2005, bà là cử nhân ngành Kỹ thuật điện của Đại học Bách khoa Hà Nội. Tới năm 2007, Nga Nguyen có tấm bằng thạc sĩ ngành Kỹ thuật điện của Đại học Bách khoa. Bước ngoặt sự nghiệp của nhà nữ khoa học được ghi dấu vào năm 2017 khi trở thành tiến sĩ ngành Khoa Kỹ thuật điện và khoa học máy tính của Đại học Bang Michigan (Mỹ). 
Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, tiến sĩ Nga Nguyễn cùng các đồng nghiệp ghi dấu ấn với không ít bài báo khoa học giá trị. Nổi bật là bài viết của nhóm tác giả Saleh Almasabi, Samer Sulaeman, Nga Nguyen và Joydeep Mitra viết về việc ứng dụng năng lượng gió trình bày trong Hội nghị chuyên đề về điện ở Bắc Mỹ lần thứ 49 diễn ra vào tháng 9/2017.
Nga Nguyen và Joydeep Mitra cũng là tác giả bài viết phân tích ảnh hưởng và sự phụ thuộc về sự xâm nhập của nguồn năng lượng gió trong tần số hệ thống điện công bố vào tháng 1/2016.
Tiến sĩ gốc Việt Nga Nguyen hiện công tác tại Khoa Kỹ thuật điện và khoa học máy tính, Đại học Wyoming (UW, Mỹ). Đây là ngôi trường danh tiếng có bề dày lịch sử ở đất nước cờ hoa với hơn 14.000 sinh viên đang theo học. Được thành lập từ năm 1886, Đại học Wyoming có hơn 180 chương trình học dành cho sinh viên với 80 chương trình Đại học và hơn 90 chương trình sau Đại học. Trong số này, những chương trình về năng lượng và khoa học thu hút rất đông sinh viên theo học.

Mời độc giả xem video: Trường đại học phát minh máy trợ thở. Nguồn: VTV24.


Tâm Anh (theo UW)

>> xem thêm

Bình luận(0)