Theo Telegraph, sông Boiling nằm sâu trong rừng nhiệt đới Amazon, là dòng sông nóng nhất thế giới. Người dân địa phương gọi sông là “Shanay-timpishka”, tức “sôi sục với sức nóng của Mặt Trời”.
Được biết, sông Boiling rộng khoảng 25 m và sâu 6 m nhưng chỉ kéo dài khoảng 6,4 km. Nhiệt độ nước sông dao động từ 50 đến 90 độ C, có khúc tới 100 độ, nguy cơ gây bỏng cấp độ 3 cho ai lỡ tay chạm vào dù vài giây.
Nhà khoa học Andrés Ruzo cho biết, vào năm 2011, anh đã tận mắt chứng kiến con sông này. Không chỉ thế, anh còn được nghe ông kể về sông Shanay-timpishka từ khi mới 12 tuổi.
Cụ thể, dòng sông là do người dân Tây Ban Nha phát hiện ra khi vào rừng sâu tìm vàng. Sau đó, anh còn được chính người dì của mình quả quyết đã nhìn thấy dòng sông.
Vốn đang học tiến sĩ địa chất tại Đại học Southern Methodist, Ruzo thực sự tò mò về dòng sông này. Anh tham khảo từ đồng nghiệp ở trường, các công ty dầu, khí đốt và khai thác mỏ, tất cả cho rằng dòng sông không có thật vì những sông hồ nước sôi trên thế giới thường có mối quan hệ với núi lửa. Trong khi Amazon hầu như không có dấu hiệu của núi lửa nào.
Mặc dù mọi giả thuyết bị phản bác, Ruzo vẫn quyết đi sâu vào rừng và lần được vị trí của dòng sông đã chữa bệnh cho người dân Ashaninka ở Mayantuyacu. Dòng sông nước sôi tưởng chừng nằm ngoài thế giới nhưng Ruzo đã khám phá ra nó. Vào năm 2016, anh đã viết một cuốn sách về dòng sông này mang tên The Boiling River, Adventure and Discovery in the Amazon (tạm dịch là Dòng sông sôi, cuộc phiêu lưu và khám phá trong rừng rậm Amazon) với hy vọng cuốn sách sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng đến kỳ quan thiên nhiên có thật và để tâm bảo vệ nó trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ việc khai thác gỗ bất hợp pháp.