Chia sẻ với Pv. VietNamNet, nhiều hệ thống bán lẻ thuộc ngành hàng công nghệ cho biết, dù rất khó khăn, thế nhưng họ vẫn làm theo yêu cầu của chính quyền địa phương khi đóng cửa các cơ sở tại những vùng có dịch.
Trong số này có thể kể tới những tên tuổi lớn như FPT Shop, CellphoneS hay nhỏ hơn một chút là An Phát Computer, Xuân Vũ, Shopdunk,...
Theo đó, việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh tại Hà Nội được thực hiện từ ngày 28/3. Tiếp đến là các cơ sở tại những tỉnh, thành phố khác trên cả nước theo yêu cầu của từng địa phương cụ thể.
|
Nhiều chuỗi bán lẻ lớn đã buộc phải đóng cửa theo Chỉ thị về việc cách ly xã hội. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo đại diện chuỗi bán lẻ CellphoneS, trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu mỗi tháng của đơn vị này liên tục sụt giảm khoảng 20%. Đỉnh điểm của sự sút giảm doanh thu là vào tháng 3, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước.
“Với mức sụt giảm doanh số này, hiện công ty đang gặp rất nhiều khó khăn. Mức độ thua lỗ dự kiến sẽ còn nghiêm trọng hơn trong thời gian tới nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát.”, đại diện CellphoneS chia sẻ.
Nói về các khó khăn, đại diện một hệ thống bán lẻ khác là FPT Shop cho biết, gánh nặng lớn nhất vẫn là tiền thuê mặt bằng.
Đối với chi phí dành cho nhân viên, dù cửa hàng đóng cửa, đơn vị này vẫn đang cố gắng để không phải cắt giảm nhân sự bằng việc điều chỉnh ca kíp và thời gian làm việc. Điều này có thể tạm thời giải quyết do những chuỗi lớn như doanh nghiệp này luôn cần một lượng nhân viên nhất định để phục vụ nhu cầu bảo vệ hàng hoá và hỗ trợ giao hàng.
|
Bán hàng online hiện là giải pháp hữu hiệu nhất giúp các chuỗi bán lẻ có thể sống sót qua mùa dịch Covid-19. |
Để hạn chế bớt thiệt hại, hầu hết các cửa hàng đều lựa chọn việc duy trì kênh bán hàng online như một cách để gỡ gạc chút vốn liếng.
Theo đại diện FPT Shop, doanh thu từ Ecommerce (thương mại điện tử) trong những ngày qua của hệ thống có sự tăng trưởng mạnh. Mức độ tăng trưởng về giao dịch hàng hoá online của doanh nghiệp này rơi vào khoảng 40% tại những khu vực phải tạm ngưng phục vụ khác hàng.
Nhận định về thị trường, doanh nghiệp này cho rằng, nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm mobile, tablet và laptop vẫn rất lớn.
Thực tế cho thấy, bên cạnh lương thực thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu với người dân trong mùa dịch là những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu làm việc, giải trí, học tập tại nhà. Trong đó có thể kể tới các thiết bị di động, loa, tai nghe, webcam, SIM 4G hay các thiết bị mạng WiFi...
Dù nhiều cửa hàng đã đóng cửa, doanh số cũng như lượng truy cập, mức độ quan tâm của người dùng về các sản phẩm công nghệ vẫn đang tăng dần lên mỗi ngày.
Để đáp ứng nhu cầu đó, bán hàng online được xem là kênh phân phối duy nhất. Đây cũng chính là giải pháp tình thế để các nhà bán lẻ ngành hàng công nghệ có thể cầm cự và duy trì hoạt động của mình.