Nhiều ý kiến nhấn mạnh vấn đề này tại Hội thảo “Báo chí với hoạt động của đại biểu Quốc hội” được tổ chức tại Hà Nội, ngày 8/8.
“Cần lắng nghe và quan sát mạng xã hội”
Theo ông Kuboya Masayoshi, Giảng viên Đại học Tokai Nhật Bản, sự ra đời, phát triển của mạng xã hội tác động sâu rộng đến nhiều mặt và nếu phát huy mặt tích cực của các nền tảng này sẽ tạo hiệu ứng tốt trong hoạt động tiếp xúc người dân của nghị sĩ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia người Nhật Bản lưu ý, ngôn từ liên quan đến vận mệnh chính trị nên đại biểu Quốc hội cần cẩn trọng khi đăng tải, “không phó mặc” vì thông tin đó được lưu truyền trên mạng xã hội.
|
Ông Lê Quốc Vinh: Cần lắng nghe mạng xã hội. |
Ông Kuboya Masayoshi thừa nhận thực tế trên mạng có nhiều luồng ý kiến, trong đó không ít ý kiến được cho là “vô trách nhiệm” hoặc hay chê bai, phê phán, song chúng ta vẫn phải xem xét thận trọng. Chính việc quan sát liên tục phần nào giúp đại biểu nắm được động thái dư luận để từ đó có sự phân tích xu hướng thấu đáo.
Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch tập đoàn truyền thông Lê, dẫn các số liệu khảo sát, thống kê cho thấy, mạng xã hội ngày càng đa dạng và tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội cũng không ngừng tăng. Dù có mặt hạn chế thì yếu tố tích cực từ mạng xã hội là điều không thể phủ nhận.
Đặt vấn đề đại biểu Quốc hội nên ứng xử như thế nào trên mạng xã hội, vị chuyên gia truyền thông nhấn mạnh yếu tố đảm bảo an toàn, thận trọng khi trao đổi, đăng tải và chia sẻ thông tin vì đại biểu Quốc hội đại diện cho tiếng nói của người dân.
|
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu tại hội thảo.
|
Bên cạnh đó, theo chuyên gia truyền thông này, đại biểu không nên bình luận về những điều còn tranh luận trên nghị trường; tránh các thảo luận riêng tư và kiểm soát bình luận, không tranh cãi trên mạng.
“Lắng nghe mạng xã hội là yếu tố quan trọng, do đó cần cung cấp công cụ và hướng dẫn các đại biểu sử dụng hiệu quả. Lắng nghe mới ứng xử chính xác, phản hồi hiệu quả nhất” – ông Lê Quốc Vinh nói.
“Phải ý thức mình là đại biểu Quốc hội”
Vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là người làm báo, ông Dương Trung Quốc cho rằng, nếu biết cách khai thác tốt báo chí, mạng xã hội thì sẽ phát huy được vai trò của đại biểu cũng như hiệu quả hoạt động Quốc hội.
“Phải lắng nghe, quan sát mạng xã hội” – ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh và chia sẻ rằng, nhiều ý kiến của ông trên nghị trường được dư luận đánh giá tốt xuất phát từ việc quan sát trên mạng kết hợp với nguồn tin đáng tin cậy.
Một điểm quan trọng mà vị đại biểu này lưu ý là tất cả tương tác trên mạng xã hội hay với báo chí, người phát ngôn phải luôn ý thức mình là đại biểu Quốc hội chứ không chỉ là chuyện cá nhân, để từ đó nhận thức hiệu ứng tác động xã hội.
Dẫn trường hợp ý kiến của ông về lịch sử trong một hội thảo khoa học bị một tờ báo phản ánh không chính xác, tạo dư luận trên mạng không tốt nhưng thay vì tranh luận thì ông nêu quan điểm ở một diễn đàn khác với sự hỗ trợ của báo chí.
“Tôi bị cho là xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Thậm chí có người làm cả một clip tranh luận với tôi với lời lẽ nặng nề. Vậy phản ứng thế nào? Trước hết tôi kiểm chứng lại thông tin mình phát biểu có chính xác hay không và thấy rằng một tờ báo phản ánh sai quan điểm của tôi. Nhưng khi đọc, nghe kỹ ý kiến phản bác thì tôi nghĩ để ý kiến đó tồn tại có lợi hơn vì họ tranh luận để giữ điều đúng, bảo vệ sự chính xác của lịch sử chứ không phải họ phản bác theo ý sai lệch đi. Như vậy, từ việc tờ báo phản ánh thông tin sai lại đưa ra dư luận hướng mọi người về cái đúng của lịch sử”.
“Điều đó cho thấy, cần ứng xử khôn ngoan và quan sát hiệu ứng xã hội thế nào chứ không chỉ là yếu tố cá nhân. Nếu đơn giản là người làm chuyên môn thì tôi sẽ vào tranh luận, nhưng là đại biểu Quốc hội thì tôi cần xem tác động xã hội thế nào. Ý thức ứng xử với tư cách đại biểu Quốc hội sẽ phát huy mặt tích cực” – ông Dương Trung Quốc nói.